Pháp luật

“ Vườn tượng nhà ông”

Kính yêu và tôn thờ các vị lãnh tụ có uy tín của dân tộc là quyền của mỗi người dân Việt Nam. Không mấy gia đình người dân Việt không treo ảnh hoặc có tượng Bác Hồ, tuy nhiên những người dân làm điều này xuất phát từ tấm lòng tôn kính, trân trọng, chứ không ngoài mục đích nào khác.

Gần đây dư luận tại thành phố Thái Bình đang xôn xao bàn về một vườn tượng của nhà văn họ Vũ ở tại thôn Chàng, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Để hiểu rõ sự tình, chúng tôi đã đến tìm hiểu tận nơi, và được biết, đây là vườn tượng tại nhà của nhà văn Võ Bá Cường, hội viên Hội nhà văn, nguyên là cán bộ của Hội VHNT Thái Bình, trú quán tại phường Trần Lãm thành phố Thái Bình. Khi chúng tôi đến nhà thì được một người đã ngoại lục tuần tiếp đón và giới thiệu là phu nhân của nhà văn Võ Bá Cường.

Qua tham quan vườn tượng, chỉ có thể nói đó là một sự xúc phạm!

Mọi người đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa chúng ta hơn một năm nay. Đám tang Đại tướng được ghi nhận là một sự thể hiện tuyệt vời về sự đoàn kết toàn dân, về sự trân trọng của toàn dân tộc đối với những công lao đóng góp của Đại tướng cho nền độc lập và xây dựng Tổ quốc.

Nếu ông nhà văn họ Võ làm tượng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thờ trong khuôn viên gia đình nhà mình thì rất đáng trân trọng, và biểu dương. Tuy nhiên, người ta đang nghi ngờ động cơ của ông nhà văn, một người luôn tìm cách tranh thủ lợi dụng những nhân vật quan trọng, những vị chính khách để làm sang, làm oai, thậm trí còn làm giàu cho gia đình ông.

Đã hơn một năm qua, kể từ ngày hình thành ý tưởng làm tượng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã tuyên truyền vận động khắp mọi nơi. Từ ngày đi tìm khối đá, ngày thợ trạm nhát búa đầu tiên, ông đều tổ chức rầm rộ, mời nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan tham gia. Ông đã thực hiện xã hội hóa rất khéo, lôi kéo các cơ quan tổ chức, đoàn thể tham gia phục vụ vào ý đồ cá nhân của ông. Trong đó tham gia tích cực nhất là ông NSƯT Phạm Huy Tầm, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, ngày khai trương khu vườn tượng ông đã chỉ đạo cho ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình ký tên đóng dấu vào tờ giấy mời để ông nhà văn mời các chính khách quan trọng như Bác Nguyễn Ngọc Trìu, ông Bùi Sỹ Tiếu, gia đình Cố Đại Tướng, và nhiều quan chức cấp cao đang đương chức, và đã nghỉ hưu. Các quan chức hàng tỉnh, hàng huyện, các nhà văn , nhà báo tên tuổi... đến dự lễ khánh thành vườn tượng nhà ông. Ông cho mời các nghệ sỹ biểu diễn của đoàn ca múa tỉnh, nhà hát chèo tỉnh về phục vụ cho buổi cắt băng khu vườn tượng. Xong đó mở tiệc ăn mừng tại khách sạn Sông Trà. Theo ông lễ khai trương vườn tượng nhà ông phải thật đàng hoàng, hoành tráng, sang trọng chứng tỏ đẳng cấp hơn người của một nhà văn như ông.
 

Ảnh do Nghệ nhân Kông Chuẩn chụp
 

Một câu hỏi đặt ra là ông lấy tiền đâu ra để làm một cuộc khai trương vườn tượng của gia đình rình rang, tốn kém, xa hoa như vậy? Một việc làm tâm linh thành kính trang trọng lại biến tướng thành một cuộc chơi ngông xa xỉ, đã kiến mọi người nghi ngờ đến động cơ của ông, đây có phải là cách biểu hiện sự tôn kính với vị Đại tướng của nhân dân, người học trò yêu của Bác Hồ, người anh cả của quân đội Nhân Dân Việt Nam, người mà cả cuộc đời sống thanh cao đạm bạc, không một chút công thần xa hoa!

Đã có nhiều lời bàn về tư cách thân thế, đạo đức của ông Võ Bá Cường. Đã có nhiều lời bàn về việc đồng ý sao chép tượng của Bác Giáp của Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình, đã có rất nhiều lời bàn về tượng Đại Tướng đặt tại tư gia nhà ông Cường, đã có rất nhiều lời bàn về sự thất vọng của Bà Võ Hạnh Phúc khi chứng kiến giấy phút cắt băng khánh thành tượng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi xin trích dẫn một số lời bàn trong facebook của nhà văn Bùi Hoàng Tám về pho tượng mà ông Cường cho là tượng của Đại Tướng. “Đố Vui! Đố biết tượng này là ai.” “ Trông Giống Xuân Hinh”, tượng có vầng trán giống Kông Chuẩn, đôi môi giống ông Cường….thôi thì hàng trăm lời bình rất phản cảm…

Đã thế nơi đặt tượng Người lại là góc vườn của từ đường nhà ông Cường. Chật Chội chen chúc giữa tấm bia ghi chép tiểu sử của ông Võ Bá Cường, tượng Phật Bà Quan Thế Âm, tượng các ông nhà văn mà ông Cường ngưỡng mộ. Thật là một kiểu chơi ngông thiếu văn hóa. Đại Tướng kính yêu của dân tộc, một trong mười vị tướng tài của thế giới lại đứng phơi nắng, phơi mưa ở một góc vườn, thiếu hẳn một sự trang nghiêm, vậy hỏi còn đâu sự tôn kính với lãnh tụ nữa? Thật là một sự học đòi ngớ ngẩn, trưởng giả học làm sang.

Đáng trách ở chỗ gần một năm nay, việc làm của ông Võ Bá Cường đã được sự đồng tình ủng hộ của các ông  Vũ Văn Thanh, Phó Ban thường trực, Ban tuyên giáo tỉnh Thái Bình, bà Nguyễn Thị Thu Hằng trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban tuyên giáo tỉnh Thái Bình, ông Phạm Huy Tầm chủ  tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình. Nói một cách chính xác hơn, Ông Cường đã sai khiến chỉ đạo các ông bà này làm theo ý muốn của ông, phục tùng, phục vụ ông vô điều kiện, cũng chính xác là các ông, bà này đã làm điểm tựa cho việc làm ngông cuồng thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa, xã hội nên đã dẫn đến việc xã hội hóa, tổ chức hóa việc làm đó.

Chuyện khánh thành vườn tượng nhà ông Cường có giấy mời của ông Phạm Huy Tầm chủ tịch hội VHNT Thái Bình ký tên đóng dấu khi ông còn đương chức, đến giờ không còn là việc cá nhân ông Cường nữa, mà là của Hội VHNT Thái Bình rồi. Vậy câu hỏi đặt ra việc tổ chức cắt băng khánh thành tượng Đại Tướng phải được tổ chức như thế nào? Tổ chức ở nơi đâu? Khách mời là những ai? Việc an toàn của buổi lễ ra sao?...

Giữa lúc toàn Đảng, toàn Dân đang ra sức học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ: Cần kiệm liêm chính, chống tham ô lãng phí, thế mà nấp dưới danh nghĩa tôn vinh lãnh tụ, một nhóm người đã bày đặt làm tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi tổ chức cắt băng khánh thành một cách xa hoa lãng phí với mục đích phô trương, nhằm mục đích trục lợi, về chính trị, kinh tế, lại tuyên truyền quản bá rộng rãi trên các phương tiện của địa phương như thế, thì tác hại của nó nguy hiểm đến mức nào?

Kỳ sau: Bàn về lá thư ngỏ của Trần Thành Trung
 

Đức Viên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo