Chân dung

“Warren Buffett của Ả-Rập-Xê-út” và hành trình tự thân lập nghiệp

Hoàng tử Alwaleed bin Talal được biết đến với thú tiêu tiền “dị” nhất thế giới và cuộc sống xa hoa quyền quý. Nhưng trên hết, ông còn nổi tiếng là một ông trùm truyền thông, bất động sản, và đầu tư với khối tài sản trị giá hơn 30 tỷ USD.

Hoàng tử Alwaleed bin Talal được Forbes bình chọn là người Ả Rập quyền lực nhất năm 2013. Ảnh Forbes.

Hoàng tử tự thân lập nghiệp

Alwaleed là cháu nội vua Abdul Aziz al Saud, người sáng lập nước Ả Rập Saudi. Chính vì xuất thân trong gia đình hoàng tộc kiểm soát 267 tỷ thùng dầu của quốc gia Trung Đông này mà nhiều người cho rằng phần lớn tài sản của ông cũng bắt nguồn từ những lợi ích từ dầu mỏ, hoặc là từ số tiền 1 tỷ riyals (tương đương khoảng 270 triệu USD) thừa hưởng từ cha. Nhưng dòng máu kinh doanh không cho phép ông dừng lại ở đó. 

Cũng giống như những thành viên khác trong gia đình hoàng gia Ả Rập, Alwaleed theo học trường ĐH Menlo tại California, Mỹ. Ông tốt nghiệp năm 1979 với chuyên ngành quản trị kinh doanh. 

Ngay từ khi còn rất trẻ, Alwaleed đã nổi tiếng là người tiêu tiền hào phóng. Alwaleed kể lại rằng ông đã tiêu hết 30.000 USD mà cha ông, Hoàng tử Talal bin Saud, cho trong vòng một năm, và 300.000 USD trong ba năm sau đó. Tuy nhiên, cha ông đã từ chối lần tiếp viện thứ ba và chuyển nhượng cho ông một ngôi nhà được xây dựng tại Riyadh. Từ đó, ông đã phải học cách để tự kiếm tiền.

Sau khi thế chấp ngôi nhà cho chi nhánh ngân hàng Citibank ở Riyadh và kiếm được 600.000 USD cùng với 200.000 USD tiền bán đồ trang sức mà người vợ đầu tiên của cha ông cho, Alwaleed bước chân vào công việc kinh doanh bằng việc quản lý việc xây dựng cho một công ty Hàn Quốc ở Riyadh.

Ngay sau đó, ông trở thành người giám sát một loạt các dự án tại nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng sở hữu một văn phòng du lịch.

Tuy nhiên, đầu cơ mới chính là con đường làm giàu của ông bằng việc mua lại các công ty nhỏ ở Ả Rập Saudi mà ông gọi là “thôn tính thù địch”, trong đó có Ngân hàng Thương mại Ả rập Thống nhất.

Tính tới năm 1988, Forbes ước tính tài sản của ông lên tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông vẫn là một “tỷ phú vô hình”.

Mọi chuyện chỉ thay đổi vào ngày 22/2/1991, khi tạp chí New York Times tung hô ông là người hùng giải cứu Citigroup (người thừa kế Citibank) khỏi nguy cơ phá sản do một loạt các khoản vay BĐS thương mại xấu.

Trong suốt mùa thu năm 1990, Alwaleed đã âm thầm mua 16 triệu cổ phiếu của Citigroup trên thị trường mở với trị giá khoảng 207 triệu USD và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty khi nắm giữ 4,9% cổ phần. 

Sau đó, ông đã mua thêm 590 triệu USD cổ phiếu ưu đãi của công ty. Nhờ đó, ông đã sở hữu 14,9% cổ phần của Citigroup.

Mặc dù cổ phiếu của công ty đã mất 90% giá trị kể từ tháng 7/2007 và khiến cho tài sản của hoàng tử này thâm hụt 8 tỷ USD, ông vẫn lạc quan vào tương lai của công ty. Alwaleed nói rằng: “Chỉ có những cuộc khủng hoảng về mặt lý thuyết, bởi vì nó chỉ xảy ra khi bạn coi đó là khủng hoảng và bán đi cổ phiếu của mình”.

Hiện nay, Alwaleed, thông qua Kingdom, vẫn đang nắm giữ 2% cổ phần của Citigroup.

Công chúa Ameerah hiện là người vợ thứ tư của Alwaleed. Họ đã cùng nhau tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện. Ảnh: Getty.

“Warren Buffeet của Ả Rập Saudi”

Khoản đầu tư vào Citigroup đã thể hiện rõ triết lí đầu tư của Alwaleed, người tự mệnh danh là “Warren Buffett của Ả Rập Saudi”. Bí quyết của ông là đầu tư vào các công ty công ty lớn và có vị thế nhưng đang bị thất thế.

Trong hơn hai thập kỉ qua, Alwaleed đã đổ hàng tấn tiền mặt để hỗ trợ các công ty gặp khó khăn như Canary Wharf, Citigroup, EuroDisney, Apple, Donna Karan.

Alwaleed chia sẻ: “Tất cả các công ty chúng tôi đổ vốn vào đều là những công ty có thương hiệu và có giá trị cao, tuy nhiên họ đều trong thời kì khó khăn. Các công ty này đều có cơ hội phục hồi, cái mà họ cần là vốn và định hướng”.

Triết lý kinh doanh này cũng giống với bí quyết thành công của tỷ phú đầu tư Warren Buffett, người luôn tỉnh táo đầu tư vào các công ty trên bờ vực phá sản khi các nhà đầu tư khác hoảng loạn rút vốn.

Và cũng giống như Warren Buffett, các khoản đầu tư của Alwaleed đều là các khoản đầu tư dài hạn. Citigroup, Four Seasons, George V, News Corporation, Time Warner đều là những công ty mà Alwaleed đầu tư từ những năm 1990.

Nếu Buffett thực hiện các kế hoạch đầu tư được thực hiện thông qua Bershire Hathaway, thì Alwaleed lấy hình mẫu này để sáng lập và phát triển Kingdom Holding, công ty ông sở hữu 95% cổ phần với giá trị thị trường của công ty lên tới 20 tỷ USD. 

Đầu tư đa ngành, đa quốc gia

Hoàng tử Alwaleed đổ vốn đầu tư trong rất nhiều lĩnh vực như ngân hàng, truyền thông, công nghệ kỹ thuật cao, khách sạn, công nghiệp giải trí, hàng không, y tế, tư vấn, và BĐS ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu, châu Á đến châu Phi. Tất cả các hoạt động này được thực hiện thông qua Kingdom Holding.

Đối tượng đầu tư của Alwaleed là các công ty công nghệ có tăng trưởng cao như Apple, TimeWarner, Motorola, 360buy, Saks, AOL, eBay, Euro Disney và Twitter.

Ông cũng tự hào là chủ sở hữu một loạt các khách sạn xa xỉ. Ngoài George V ở Paris, ông cũng sở hữu khách sạn Savoy ở London, Plaza ở New York. Alwaleed cùng Bill Gates là người sở hữu 95% cổ phần của chuỗi khách sạn Four Season ở Toronto. 

Một số nhà quan sát cho rằng do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, Alwaleed đã thu hẹp phạm vi đầu tư tại các công ty ở phương Tây. Thay vào đó, ông bắt đầu chú ý tới các công ty ở Trung Đông, đặc biệt tại quê hương ông.

Là một trong số chủ đất lớn nhất ở Ả Rập Saudi, Alwaleed đang phát triển lĩnh vực BĐS với tốc độ chóng mặt để theo kịp với nhu cầu về nhà ở của tầng lớp giàu có đang tăng lên tại quốc gia này. 

Bên cạnh việc xây dựng một BĐS dân cư tại vùng ngoại ô Riyadh với diện tích khoảng 16 triệu m2, Kingdom Holding cũng đang xây dựng một thành phố trị giá 20 tỷ USD tại thành phố Jeddah với một tòa nhà cao 1.000m, hứa hẹn trở thành tòa nhà cao nhất thế giới.

Sự tăng cường và đa dạng hóa các khoản đầu tư đã giúp lợi nhuận Q4/2013 của Kingdom Holding đã tăng 10%, thu nhập ròng đạt 61,7 triệu USD. Nhờ đó, tài sản ròng của tỷ phú giàu thứ 19 thế giới này tăng lên 32 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo