Tin tức - Sự kiện

Xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài

Thực tế hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ÐTRNN) và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, cần sớm xây dựng một chiến lược ÐTRNN phù hợp với thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, không những đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững với tốc độ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà còn giải quyết tốt các vấn đề về quan hệ, chính trị, đối ngoại,... của Việt Nam với các nước
Tính lũy kế đến hết năm 2012, Việt Nam đã có 722 dự án ÐTRNN, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại Lào (chiếm 27% về số dự án, 30% về vốn đầu tư), Cam-pu-chia (chiếm 14,6% về số dự án, 21% về vốn), tiếp đến xếp theo thứ tự về vốn đăng ký, là Vê-nê-xu-ê-la, Nga, Pê-ru, Ma-lai-xi-a. Riêng trong năm 2012, số dự án đầu tư tại Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ cao 16/84 dự án.
 
Vốn thực hiện lũy kế đến thời điểm tháng 6-2012 ước đạt khoảng 25,4% tổng vốn đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí. Doanh thu lũy kế của các dự án đã đi vào hoạt động cũng như lợi nhuận chuyển về nước còn đạt thấp, tuy đã có một số dự án chuyển lợi nhuận về nước bằng nguyên liệu quý. Các DN ÐTRNN đã tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 17.774 lao động, chủ yếu lao động tại các nước sở tại. Lao động Việt Nam cũng chiếm một phần quan trọng trong số đó, chủ yếu là lao động quản lý và công nhân lành nghề.
 
Thực tế hoạt động ÐTRNN thời gian qua cho thấy, ÐTRNN sẽ bị ảnh hưởng, không hiệu quả, dẫn đến thất bại nếu hệ thống luật pháp, chính sách của nước tiếp nhận đầu tư không ổn định, luôn thay đổi và không dự báo trước được; Vai trò điều hành, hướng dẫn của Nhà nước đối với DN đầu tư ra bên ngoài chưa được chú trọng (nhất là đối với các DN tư nhân), chủ yếu là tự quyết, tự chịu trách nhiệm...
 
Vì thế, cần sớm có một chiến lược ÐTRNN có khả năng triệt tiêu được các ảnh hưởng xấu của các đặc điểm đó, đồng thời ngăn chặn được các tác động tiêu cực của ÐTRNN vì ÐTRNN có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư, các mục tiêu và tăng trưởng kinh tế trong nước, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam; ÐTRNN có thể làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập trong nước, giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước nếu sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư (nhất là đối với các DN nhà nước). Sự quản lý yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước về ÐTRNN nếu ở mức độ rộng còn có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát hoạt động ÐTRNN của nhà nước đối với các DN.
 
Từ các yêu cầu đặt ra nêu trên cho thấy, chiến lược ÐTRNN cần tính đến các mục tiêu và các vấn đề sau đây:
 
Về mục tiêu, thực hiện chiến lược ÐTRNN phải mang lại hiệu quả thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong nước trên cơ sở mở rộng được thị trường, tăng cường được năng lực sản xuất, cạnh tranh và tìm kiếm được lợi nhuận của các nhà đầu tư Việt Nam thông qua ÐTRNN; Ðặt chiến lược ÐTRNN nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, nhằm cân đối hài hòa nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong nước và nguồn vốn ÐTRNN với hiệu quả đầu tư cao nhất, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
 
Từ kinh nghiệm các nước và để khắc phục đặc điểm "đăng ký đầu tư lớn nhưng thực hiện ít" làm tổn hại nguồn lực đầu tư đối với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế như giai đoạn đầu khi nền kinh tế chưa phát triển, trong chiến lược, cần quy định các điều kiện cụ thể đối với các DN ÐTRNN như đã có quá trình phát triển tốt trong nước, đủ năng lực về tài chính và công nghệ cho việc tiếp tục phát triển ở trong nước và ÐTRNN; hạn chế quy mô ÐTRNN và quy định rõ tỷ lệ % trong tổng vốn hiện có của DN có thể ÐTRNN; không cho phép ÐTRNN vào các lĩnh vực/ngành nghề DN không đăng ký kinh doanh (đặc biệt là đầu tư ngoài ngành nghề của các DN có vốn nhà nước). Trong giai đoạn sau khi kinh tế đã phát triển, sẽ mở rộng thêm điều kiện đối với các DN ÐTRNN như áp dụng quy trình đăng ký cấp phép đối với các dự án có quy mô nhỏ, đã đáp ứng đủ các điều kiện ÐTRNN; tăng quy mô vốn đầu tư ra nước ngoài...
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với ÐTRNN để bảo đảm hiệu quả đầu tư, lợi ích của DN và lợi ích quốc gia thông qua việc xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ và rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ÐTRNN tìm kiếm được lợi nhuận tối đa trên cơ sở thực hiện theo luật pháp nước sở tại. Ðồng thời Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp hỗ trợ ÐTRNN như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đối với việc cấp phép ÐTRNN; Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư đối với một số dự án ÐTRNN có tác động tích cực tới phát triển kinh tế trong nước; Xem xét, ban hành một số chính sách ưu đãi về thuế đối với ÐTRNN tại một số địa bàn, lĩnh vực chiến lược; Rà soát, đàm phán, ký kết các hiệp định song phương, đa phương, đặc biệt là các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các nước có ÐTRNN của các DN, cá nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ÐTRNN.
 
Ngoài ra, Nhà nước cần nâng cao vai trò định hướng, hướng dẫn ÐTRNN đối với các DN, cá nhân. Cụ thể, căn cứ vào các nghiên cứu chuyên sâu về xu thế phát triển cả về kinh tế, chính trị của các nước, thị trường thế giới, khu vực và của nước đến đầu tư... thực hiện việc định hướng, hướng dẫn các DN, cá nhân Việt Nam lựa chọn địa điểm ÐTRNN. Thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin về thị trường cũng như những thay đổi và xu hướng thay đổi chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư nhằm khắc phục các ảnh hưởng của thị trường, của luật pháp chính sách nước sở tại đến ÐTRNN của Việt Nam; Ðối với một số nước thu hút nhiều DN Việt Nam đầu tư như Lào, Cam-pu-chia... và ở giai đoạn nền kinh tế đủ nguồn lực cân đối, cần kết hợp hiệu quả giữa nguồn vốn ODA và FDI của Việt Nam (như Nhật Bản thực hiện tại Việt Nam) để tạo điều kiện cho hoạt động ÐTRNN của các DN Việt Nam ở nước sở tại, giúp các nước sở tại phát triển cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm các nhu cầu về đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN, trong đó có DN FDI của Việt Nam; Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập các Hiệp hội DN Việt Nam ÐTRNN ở từng nước sở tại nhằm tăng cường sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau khi các DN, cá nhân Việt Nam cùng ÐTRNN, đồng thời để bảo vệ quyền lợi của các DN Việt Nam ở nước ngoài (giống như cách thức các nhà đầu tư nước ngoài đã xin phép thành lập tại Việt Nam các tổ chức theo hình thức Hiệp hội như EUROCHARM của các nhà đầu tư đến từ châu Âu, hay KORCHARM của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc,... đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi của bất kỳ DN nào trong tổ chức của họ). Khi có cơ hội, Chính phủ có thể thông qua các DN nhà nước để mua lại các tài sản chiến lược, mua lại cổ phần của các tập đoàn lớn ở nước ngoài thông qua hình thức M&A, khi đó các cơ sở mua lại sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy đối với cộng đồng DN, cá nhân Việt Nam đang ÐTRNN.
 
Cuối cùng, cần phải xác định ÐTRNN đòi hỏi phải có một chiến lược dài hạn, nhưng có sự linh hoạt trong ngắn hạn để đạt được hiệu quả tối ưu cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở sử dụng, kết nối được các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài, tạo được sự hài hòa giữa thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta với đầu tư của nước ta ra nước ngoài.
 
 
 
TS PHAN HỮU THẮNG
Nguyên Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài
(Bộ Kế hoạch và Ðầu tư)
Theo NDĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo