Văn hóa

Xiếc Việt còn chưa “nuột nà” về nghệ thuật

“Về động tác kĩ thuật xiếc Việt không thua kém nhưng về độ “nuột” trong tính nghệ thuật rõ ràng chúng ta chưa bằng nước bạn” – đó là nhận định của ông Vũ Ngoạn Hợp giám đốc liên đoàn Xiếc Việt Nam về các tiết mục xiếc tham gia tại liên hoan lần này.

Ở vị trí là Ban giám khảo tham gia chấm giải cho liên hoan xiếc quốc tế lần thứ IV đang diễn ra tại Hà Nội, giám đốc liên đoàn xiếc quốc tế Việt Nam đã có những nhận xét về tính nghệ thuật của các tiết mục xiếc Việt. Với số lượng 15/31 tiết mục tham gia dự thi lần này rõ ràng Việt Nam có nhiều cơ hội hơn hẳn để đạt giải. Tuy nhiên theo đánh giá chung thì “Xiếc Việt về kĩ thuật không thua kém các nước bạn nhưng phải thừa nhận về tính nghệ thuật chúng ta còn thua họ” – ông Hợp cho biết.

Mỗi tiết mục xiếc được đánh giá ở 2 mặt đó là trình độ kĩ thuật và tính nghệ thuật. Trước đây khi các nghệ sĩ bắt đầu học làm xiếc hay khán giả tiếp nhận xiếc thường chú trọng ở kĩ thuật, tuy nhiên càng ngày xiếc càng yêu cầu cao về tính nghệ thuật. Điều này thể hiện ở trang phục, dụng cụ biểu diễn, âm nhạc và phong cách biểu diễn của chính nghệ sĩ đó. Ông Hợp ví “người nghệ sĩ chính là người thổi hồn cho tiết mục và để làm được điều này trước tiên phải đảm bảo kĩ thuật của từng động tác nhưng quan trọng hơn hết đó là khả năng kết nối để tạo cho bài biểu diễn độ “nuột nà” trôi chảy và ăn khớp với nhau”. Và đây chính là điểm còn “yếu thế” của các tiết mục xiếc Việt so với các nước bạn về tham dự như Mỹ, Nga hay Mông Cổ…



Tuy nhiên trong mùa Liên hoan này các tiết mục của Việt Nam đã mang vào được

 

Tuy nhiên trong mùa Liên hoan này các tiết mục của Việt Nam

đã mang vào được "phong cách Việt" qua nhiều yếu tố khác nhau như trang phục...


Cùng bàn về vấn đề này, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Tâm Chính (trong ban giám khảo chấm thi lần này) có ý kiến: "Để đạt được tính nghệ thuật trong mỗi tiết mục xiếc cần mất nhiều thời gian tập luyện và khi làm được điều này thì cũng đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ đó đã khẳng định được đẳng cấp của mình. Nói như thế không phải chúng ta tự “hạ thấp” các tiết mục của ta nhưng cũng phải thừa nhận những điểm còn yếu để cố gắng hoàn thiện. Tính nghệ thuật đó là khi xem một tiết mục xiếc khán giả có cảm giác “ngọt ngào” và nhẹ nhàng từ đầu đến cuối cho dù người nghệ sĩ đó đã diễn động tác rất nhanh và mạnh".

Tuy nhiên bên cạnh đó hai vị giám khảo này cũng phải thừa nhận sự cố gắng, nỗ lực của đoàn Việt Nam trong kì liên hoan xiếc lần này. Các tiết mục được mang ra đọ sức nhìn chung được chuẩn bị khá công phu từ khâu dàn dựng, trang phục và âm nhạc. Có một điểm nổi bật trong mùa liên hoan này đó là các nghệ sĩ Việt Nam đã thổi hồn vào tiết mục “phong cách Việt” để tạo điểm nhấn và là bản sắc riêng. Ví dụ tiết mục “Dây căng cao” của đoàn xiếc TP Hồ Chí Minh chọn trang phục kiểu “đóng khố” và đội mũ gợi cho người xem nhớ hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ trong thuyết “Trăm trứng”. Hay phần dự thi “Đu quay” của trường Xiếc và tạp kĩ, hai nghệ sĩ nữ bay bổng trên không theo nền nhạc của bài “Cây trúc xinh” và phần đạo cụ được “hóa trang” thành cây tre, cây trúc Việt. Nghệ sĩ Xuân Hân với bài trình diễn “Đứng tay trồng đầu trượt dây dốc” với kĩ thuật đặc biệt khó nhưng vẫn làm toát lên vẻ đẹp hoang dại của người con trai Tây Nguyên qua bộ trang phục và điệu múa đặc trưng. Các tiết mục khác, ngay cả xiếc thú tất cả cũng đều mang hơi hướng Việt không lẫn với bất cứ nước nào trên thế giới.

Tuy còn có những điểm chuệch choạc và chưa thật sự “mướt” nhưng những tiết mục tham dự Liên hoan lần này vẫn có hi vọng đạt giải cao. Để giành một câu nhận định về xiếc Việt Nam, ông Hợp tự hào chỉ ra : “Xiếc của chúng ta chưa toàn vẹn, tuy nhiên ta tự hào vì không ai so sánh điểm xuất phát mà chỉ so sánh điểm đến và thành quả đạt được của xiếc nước ta và các nước bạn. Chúng ta còn khó khăn hơn họ về nhiều mặt nhưng sự thật đó là xiếc đang “cháy” hết mình và cần phải giữ gìn ngọn lửa này”.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo