Hỗ trợ doanh nghiệp

Xóa bỏ cơ chế "xin-cho" hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp

(DNVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầucần rà soát các thủ tục nhận hỗ trợ của doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, dễ dàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin cho, nhằm đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thủ tướng kết luận, mục đích cần đạt được sau khi ban hành Nghị định mới, phải thu hút được làn sóng mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Dự thảo Nghị định mới cần vận dụng tối đa các quy định Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa để áp dụng, cụ thể hóa cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông thôn và các Luật Thủy lợi, Dự án Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản… và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về kinh tế tư nhân và thể chế kinh tế thị trường.

Xóa bỏ cơ chế "xin-cho" trong hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp.

Dự thảo Nghị định mới cần tập trung vào đề xuất cơ chế, chính sách, hỗ trợ gián tiếp là chủ yếu (môi trường đầu tư, thủ tục hành chính), trong đó ưu tiên tạo thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn như: khuyến khích bằng cả cơ chế ưu đãi (đất đai, thuế, miễn, giảm…) và chính sách hỗ trợ bằng tiền phù hợp nguyên tắc thị trường và khả năng chi ngân sách Nhà nước; cần tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Đối với các doanh nghiệp lớn, tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia, có quy mô vùng nổi trội, thành doanh nghiệp đầu đàn. Đối tượng của chính sách là doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các loại doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đầu tư vào khu vực nông thôn.

Cùng với đó tập trung ưu tiên hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, mua sắm chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia theo các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Nguồn hỗ trợ không chỉ từ ngân sách Trung ương, địa phương mà còn từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phó Thủ tướng yêu cầu Dự thảo cần rà soát các thủ tục nhận hỗ trợ của doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, dễ dàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, xóa bỏ cơ chế xin cho, nhằm đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo