Xã hội

Xóa hàng loạt các trạm thu phí trên toàn quốc

Kể từ 00 giờ ngày 01/01/2013, các trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực cùng ngày.

Bộ Giao thông Vận tải vừa ra thông cáo việc triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Theo quy định tại Thông tư 197, kể từ 00 giờ ngày 01/01/2013, các trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước không còn được phép thu phí của các chủ phương tiện lưu thông.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có đề án án xử lý, sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ, trong đó đề xuất xoá bỏ các trạm thu phí đang thu nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên vẫn tiếp tục thu phí một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM; các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn …

Cũng tại thông cáo của mình, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế. Hiện nay, hệ thống đường bộ nước ta có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ gồm 95 tuyến với tổng chiều dài 17.646 km, đường tỉnh 24.249 km, đường huyện 51.720 km, ..Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống đường bộ địa phương.

Trong khi đó, việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện rất nhiều năm qua, nhiều lần thay đổi hình thức thu phí nhưng không bao quát được tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông, không tạo được sự công bằng trong thu phí sử dụng đường bộ. Chẳng hạn: thu trực tiếp theo tháng; thu theo tấn/km xe chạy, theo người/km xe chạy; thu theo phần trăm trên doanh thu cước vận tải; thu gián tiếp qua xăng dầu (về cơ bản không thực hiện được do không tách được dầu diezel sử dụng cho giao thông đường bộ và dầu diezel sử dụng cho những ngành và lĩnh vực khác); thu trực tiếp theo lượt xe chạy qua trạm thu phí (như hiện nay). Trong đó, phương thức thu trực tiếp theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ khi qua trạm thu phí được áp dụng nhiều nhất, nhưng mới chỉ có ở trên một số tuyến quốc lộ, không có trên đường địa phương.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, sau nhiều năm không được bố trí vốn đầy đủ, chất lượng nhiều tuyến đường huyết mạch, trong đó có cả Quốc lộ 1 đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn chất lượng đường sá, gây mất an toàn cho người tham giao thông. Vì vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ là cần thiết, đảm bảo công bằng và góp phần nâng cao chất lượng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông…

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VnMedia)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo