Tài chính - ngân hàng

Xuất khẩu cà phê: Tiếng to, miếng vẫn nhỏ

Theo đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, sẽ có khoảng 80% sản lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay nước ngoài, không qua khâu trung gian. Đây đang là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam.

Lâm vào thế "gọng kìm"

 
Các DN xuất khẩu cà phê nhân đang vướng thế "gọng kìm" trước sự cạnh tranh khốc liệt của các DN FDI và trong nỗ lực chen chân để trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài.
 
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV XNK 2 - 9 Đắk Lắk, cho biết, những nhà xuất khẩu lớn đang rất cần trái cà phê chất lượng tốt để bán với giá cao, chứ không kỳ vọng bán được trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài.
 
"Trong bán hàng trực tiếp, có những hợp đồng thanh toán trong vòng 240 ngày kể từ ngày thương lượng. Như vậy, bỏ ra một đồng vốn, gần một năm mới quay về. DN muốn giao hàng tháng 1/2015 thì tháng 11/2014 phải lo sao cho có hàng, sau đó gửi mẫu đi, khách hàng chấp nhận được mới làm hàng. Như vậy, liệu có DN nào chịu nổi để bán trực tiếp cà phê rang xay? Riêng với công ty của tôi, chỉ tiêu đến năm 2020 bán được vào toàn bộ hệ thống cà phê rang xay là khó lắm!", ông Hùng nhận định.
 
Ngoài ra, còn một khó khăn khác là các nhà rang xay nước ngoài chưa chắc mua tất cả cà phê từ một đầu mối Việt Nam. "Họ không bao giờ dám, mà phải thông qua các công ty trung gian để đảm bảo nguồn nguyên liệu được cung cấp kịp thời, cho nên không thể bỏ bán trung gian để thay bằng bán trực tiếp được", ông Hùng nhận định.
 
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang có khoảng 100 DN tham gia xuất khẩu cà phê nhân. Trong tổng số 30 DN xuất khẩu cà phê Việt Nam có kim ngạch lớn thì có đến 14 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số liệu tổng hợp cho thấy, trong niên vụ 2013/2014, Công ty CP Tập đoàn Intimex vẫn là DN có kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất Việt Nam, Tổng công ty Tín Nghĩa ở vị trí thứ hai và Công ty TNNH Louis Dreyfus Commodities, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, xếp vị trí thứ ba.
 
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Ban chấp hành (Vicofa), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn vụ 2013/2014 đạt 1,66 triệu tấn với kim ngạch 3,4 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng nhưng chỉ tăng 12,5% về kim ngạch.
 
Trong niên vụ 2013/2014, cũng giống như giá cà phê trên sàn giao dịch kỳ hạn, giá cà phê nội địa cũng rớt thê thảm, giá xuất khẩu FOB tại cảng TP.HCM là 1.521 USD/tấn. Tháng đỉnh cao đạt mức 40.800đ/kg và giá xuất khẩu chỉ đạt 2.037 USD/tấn với mức trừ lùi 70 USD/tấn so với sàn Liffe London. Đây được xem là bất lợi đối với cà phê Việt Nam.
 
 
Thay đổi để "phá thế”
 
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, vụ mùa cà phê năm 2013/2014, Việt Nam đã có một kết quả khá tốt với mức giá ổn định, doanh thu ngành cà phê khá cao. Tuy nhiên, việc kinh doanh cà phê hiện nay khá khó khăn. "Tôi nghĩ rằng, muốn phát triển, chúng ta phải thay đổi rất nhiều hình thức kinh doanh.
 
Cụ thể, các công ty cà phê xuất khẩu cũng cần tham gia nhiều hơn các triển lãm hội chợ trên thế giới để xem cà phê thế giới được bán như thế nào, được uống ra là sao? Hiện nay, có rất nhiều DN kinh doanh cà phê nhưng không phân biệt được cà phê tốt, cà phê chưa tốt. Vì vậy, rất khó để bán được giá cao", ông Thông nói.
 
Chuyên gia phân tích thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình cho biết, qua tổng kết của Tổng cục Hải quan, sản lượng cà phê Việt Nam năm 2013/2014 là tốt chứ không phải mất mùa, nhà xuất khẩu cũng báo tốt.
 
"Nhưng nếu theo thông tin cân đối cung cầu của thế giới, nói tốt thì tôi không tin lắm, vì chúng ta nói đến cung và cầu nhưng quên vấn đề tồn kho ở hai sàn. Do tồn kho trên sàn lớn, thời gian tới chắc chắn sẽ lớn nữa, nên tôi tin rằng giá cà phê sẽ không tăng đột biến, chỉ trừ có hiện tượng nào cho thấy mất mùa trong năm tới", ông Bình nhận định.
 
Tuy nhiên, ông Bình cũng đề nghị các công ty trong nước không nên kích đầu cơ, vì điều này sẽ làm ứ hàng, dễ tạo mối nguy lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Hiện, trong niên vụ 2013/2014, Đức và Mỹ vẫn là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần theo lượng lần lượt là 13,9% và 10,2%, tiếp theo là Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật Bản, Nga...
 
Dự báo về niên vụ tới, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm 20 - 25% so với niên vụ 2013 - 2014 do cà phê Arabia giảm 30%, cà phê Robusta ở Tây Nguyên bị "cúm" khi ra hoa, nạn khô hạn, thiếu nước tưới, lượng cà phê già cỗi tiếp tục tăng.
 
Theo đó, ông Nam dự báo, giá cà phê trong vụ mới sẽ tăng và ở mức sàn từ 41.000 đồng/kg trở lên. Vì vậy, DN và nông dân nên có chiến lược mua bán dài hơi để ổn định giá, tránh bị thương nhân nước ngoài ép giá.
 
 
Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo