Pháp luật

Yên Bái: “Hô biến” di tích quốc gia thành quán bia, bãi tập kết xe tải?

(DNVN) - Nhiều cử tri “bức xúc” trước thực trạng di tích lịch sử cấp quốc gia: Sân vận động TP Yên Bái - Nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân tỉnh Yên Bái đang ngày đêm bị “xẻ thịt” để kinh doanh, trục lợi

Thời gian gần đây, tòa soạn Doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên nhận được thông tin của rất nhiều các hộ dân đang sinh sống tại phường Hồng Hà, TP. Yên Bái phản ánh về tình trạng khu vực Sân vận động TP. Yên Bái (di tích lịch sử cấp quốc gia - Nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958) đang bị các Doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức “hô biến” thành nơi tập kết xe có tải trọng lớn, quán bia hơi, cùng nhiều loại hình dịch vụ kinh doanh… khiến khu di tích bị xâm hại và xuống cấp.

 

Bãi đỗ xe tải nằm ngay trong khuôn viên di tích lịch sử cấp quốc gia, Sân vận động TP. Yên Bái, khu vực khán đài A.

Để làm sáng tỏ thông tin do người dân cung cấp, nhóm PV Doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại khu di tích Sân vận động TP Yên Bái để tìm hiểu thực hư về vấn đề này. Tại thời điểm PV tiến hành ghi nhận trong khu di tích này hiện đang có rất nhiều xe có tải trọng lớn đang đỗ tại khu khán đài A, phía cổng chính của Sân vận động.

Ngoài ra, PV cũng ghi nhận được thêm được hình ảnh về một quán bia hơi đang kinh doanh tại khu vực này. Trao đổi với PV, một người dân sống tại phường Hồng Hà cho biết: “Từ khoảng năm 2012 trở lại đây, không biết có phải do thực hiện theo chủ trương chính sách của tỉnh hay không? Nhưng bỗng chốc, cả khu di tích bị các hộ kinh doanh lấn chiếm, cho thuê thành bãi trông giữ xe ô tô ngày đêm, thành quán hàng bia hơi… người ra người vào tấp nập không khác gì một cái chợ.

Quán bia hơi nằm trong khu di tích Sân vận động có diện tích kinh doanh khoảng 500m2.

Người dân nhiều lần bức xúc kiến nghị với chính quyền địa phương, cùng các cơ quan chức năng, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người dân kiến nghị nhiều mà không được, chắc cái này là do có chủ trương của lãnh đạo rồi nên họ mới kinh doanh trên khu vực di tích này một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra như vậy.”

Chia sẻ thêm với PV, bác S. một cán bộ cao tuổi bức xúc cho hay: “Nơi đây, trong những năm chiến tranh, khi đất nước còn nghèo, sân vận động này chính là nơi các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện thân mật, động viên về tinh thần đoàn kết, thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất…

Tấm bia ghi nhớ tại lễ đài sân vận động TP. Yên Bái.

Ngoài ra nơi đây còn là nơi vui chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân. Giờ họ kinh doanh, người dân cũng chẳng biết còn chỗ nào để sinh hoạt văn hóa hay chơi thể thao nữa. Tình trạng xe tải đậu ngang nhiên cũng dẫn đến việc một số người dân phải đi vòng thêm một quãng đường để ra được khu đằng sau sân vận động, do lối đi bị các xe tải đỗ chật kín đường”.

 

Tìm hiểu về khu di tích PV được biết, Di tích lễ đài – chính là khán đài của sân vận động thành phố Yên Bái hiện nay là nơi duy nhất lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về vị lãnh tụ vĩ đại - Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Khu di tích đã được Bộ văn hoá thông tin công nhận theo Quyết định số 1288/VH-QĐ, ngày 16.11.1988, công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Biển quảng cáo giới thiệu về dịch vụ trong giữ xe 24/24h đi kèm với dịch vụ rửa xe.

Để rộng đường thông tin dư luận người dân phản ánh, ngày 24/3, PV Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Ngô Kim Ngọc, chủ tịch UBND phường Hồng Hà, TP Yên Bái để làm rõ hơn về sự việc do người dân phản ánh.

Trao đổi với PV, ông Ngọc cho hay: “Liên quan đến sự việc trên, phường có nắm được nhưng phường chỉ quản lý về góc độ nhà nước. Còn việc quản lý điều hành khu sân vận động về việc cho thuê mượn thì là do trung tâm văn hóa, UBND TP. Yên Bái chỉ đạo. Phường cũng đã nhiều lần tổng hợp ý kiến của các cử tri kiến nghị về hoạt động kinh doanh tại khu sân vận động gửi tới UBND TP. Yên Bái từ năm 2012.

Về tính pháp lý về hoạt động kinh doanh tại sân vận động, ông Ngọc chia sẻ: “Còn về việc có đảm bảo về các quy định của nhà nước đối với bãi trong giữ xe này thì hoàn toàn không đảm bảo điều kiện như phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại… Nhưng trên thẩm quyền quàn lý, phường chỉ có thể đưa vào quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh tại đây.”

Không rõ việc cho thuê, sử dụng khu di tích quốc gia tại TP Yên Bái có được thực hiện theo đúng với chủ trương, chính sách hay không? Nhưng trước việc “xâm hại” khu di tích của một số cá nhân, tổ chức để phục vụ mục đích kinh doanh tại đây đang khiến dư luận người dân cảm thấy “bất bình” trước thực trạng trên, cũng như việc “hoài nghi” trước việc thu lợi từ hoạt động này có được đóng góp nộp vào ngân sách hay không?

 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thanh Sơn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo