Hỗ trợ doanh nghiệp

"Nếu nhìn qua con số 80.000 doanh nghiệp giải thể sẽ thấy xót xa"

DNVN - Trong 11 tháng năm 2019 có 80.000 doanh nghiệp giải thể. Nếu nhìn qua thì con số 80.000 này sẽ thấy xót xa. Nhưng nếu nhìn rộng ra một chút, trong tổng thể 164.000 DN thành lập và chúng tôi gọi là gia nhập tái gia nhập thị trường thì tỷ lệ 80.000 DN/164.000 đạt khoảng 49%. Đây là tỷ lệ tương đối ổn.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Tồn tại khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi / Video: Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển

Đây là đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại cuộc họp báo sáng 19/12 về Tổ chức "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp" với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững".
Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, bối cảnh kinh tế đất nước có những chuyển mình, đặc biệt là quan tâm phát triển doanh nghiệp (DN). Trong quá trình đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật.
Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng loạt các cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật đã được Quốc hội ban hành như: sửa đổi các Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành về đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động,... Ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững… cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực,…

Bộ Kế hoạch & Đầu tư họp báo thông tin về "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp".
Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao Ban tổ chức lựa chọn chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững" cho hội nghị năm nay, Cục trưởng Cục Phát triển DN cho hay: Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Đây là bối cảnh mà Thủ tướng Chính phủ muốn đẩy mạnh tinh thần phong trào doanh nhân - doanh nghiệp để cộng đồng DN phát triển bền vững trong tương lai.
Cho rằng tình hình phát triển DN trong thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng, ông Lê Mạnh Hùng thông tin, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số DN đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126.000 DN thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136.000 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760.000 DN.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu quy mô DN theo hướng tích cực, tỷ trọng các DN quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm DN siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng DN Việt Nam có vai trò dẫn dắt.
Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như SunGroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet,… tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao,...
Theo ông Lê Mạnh Hùng, điều quan trọng là các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội.
"Chúng tôi nhận thấy rằng, sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam không tách khỏi xu hướng của thế giới trong bối cảnh quốc tế liên tục chuyển mình. Đây là những tín hiệu tích cực từ cộng đồng DN Việt Nam", ông Lê Mạnh Hùng nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Hùng chỉ ra rằng, sự phát triển của khu vực DN vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Cụ thể, mặc dù số lượng DN thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.
Tình trạng thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa cũng là điều đáng lưu tâm. Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng DN quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Hiện tượng này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các DN.
Năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong DN, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị DN còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề.
Ngoài ra, khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.
Do đó, "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp" là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực DN thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển DN mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa, qua đó tiếp tục đóng góp tích cực vào kinh tế đất nước.
Để có nghị quyết sát với thực tiễn, khơi gợi sự tham gia của cộng đồng doanh nhân, DN, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức đối thoại với cộng đồng DN vào ngày 23/12 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Trả lời, đối thoại giữa các Bộ trưởng/Thành viên Chính phủ với các cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường đầu kinh doanh an toàn và thuận lợi, các chính sách, chương trình, hành động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. tài liệu.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn truyền tải thông điệp: thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh; đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

80.000 DN giải thể trong 11 tháng năm 2019
Tại cuộc họp báo, ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã có những phân tích sâu về tình hình đăng ký kinh doanh, số lượng DN thành lập mới, giải thể.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, vế đầu tiên của Chủ đề hội nghị năm nay là "Phát triển mạnh mẽ DN". Thực sự trong những năm vừa qua, đặc biệt là DN ngoài quốc doanh đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong 4 năm trở lại đây, bức tranh về DN, số lượng DN liên tục phá kỷ lục từ năm này sang năm khác.
"Thực sự ngẫu nhiên và thú vị khi năm 2018 có 126.000 DN thành lập mới - đây là bước phát triển nhảy vọt bởi những năm trước số lượng trung bình chỉ là 70 - 80.000 DN. Năm 2019, tình hình DN tiếp tục là bức tranh sáng sủa. Cuộc bình chọn mới đây do Báo Nông thôn ngày nay và Dân Việt bình chọn 10 sự kinh tế nổi bật, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của DN có trong danh sách này", ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ.
Đến tháng 11/2019, có 127.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 1,5 triệu tỷ đồng - đây là con số rất ấn tượng. Và bước tiến của từng tháng trong năm nay rất đẹp: Nếu tháng 10 có 126.000 DN thành lập và 36.000 DN quay trở lại hoạt động thì tháng 11 có 127.000 DN thành lập và 37.000 DN quay trở lại hoạt động. Và tháng 12, theo thông lệ cuối ngày 20 Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới chốt, nhưng theo dự tính đến thời điểm này, khả năng sẽ có 138.000 DN thành lập. Đây là bước tiến rất đều.
Về số lượng DN rút lui khỏi thị trường, ông Tuấn thông tin: 11 tháng năm 2019 có 80.000 DN: giải thể, ngừng hoạt động có đăng ký và tạm ngừng hoạt động không đăng ký. Nếu nhìn qua thì con số 80.000 DN giải thể sẽ thấy xót xa. Nhưng nếu nhìn rộng ra một chút, trong tổng thể 164.000 DN thành lập và chúng tôi gọi là gia nhập tái gia nhập thị trường thì tỷ lệ 80.000 DN/164.000 là khoảng 49%. Đối chiếu với các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước tương tự như Việt Nam và nước có môi trường kinh doanh tốt, thì đây là tỷ lệ tương đối ổn.
Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhìn nhận, việc DN rút lui khỏi thị trường là điều không mong muốn. Xét về nguyên nhân, có thể thấy nhiều lý do như phần lớn các DN Việt Nam là DNNVV, và điểm yếu nhất của cộng đồng DN này là sự chuẩn bị gia nhập thị trường chưa thực sự tốt. Theo thống kê, số lượng DN rút khỏi thị trường trong năm 2018 có đến 40% là các DN mới được thành lập dưới 5 năm.
Việc gia nhập - rút lui thị trường của DN nhiều khi là điều bình thường khi DN tiến hành hoạt động tái cơ cấu. Ngoài ra, việc rà soát tình trạng DN trong suốt quá trình vừa qua cũng là một nguyên nhân của tình trạng trên. Trong số những DN giải thể, 70% DN bị bắt buộc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh - trong khi thực ra những DN này đã chết từ lâu, góp phần vào con số 80.000 DN giải thể trong 11 tháng năm 2019.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm