Hỗ trợ doanh nghiệp

AmCham mong được hợp tác với Việt Nam về kỹ thuật số

DNVN - Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, AmCham mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu của nền kinh tế kỹ thuật số

Quảng Bình: Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp logistics / Quảng Trị: Tinh gọn thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp

Là một trong những đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp và thương mại nước ngoài tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững" diễn ra mới đây, nữ Chủ tịch AmCham đã chia sẻ về việc xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững và sáng tạo tại Việt Nam.
Theo bà Amanda Rasmussen, các thành viên của AmCham đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hơn 25 năm. Các thành viên AmCham đã và đang mang đến các sản phẩm chất lượng cao và công nghệ kỹ thuật hiện đại, dịch vụ, và kinh nghiệm kinh doanh cho Việt Nam. Với việc đang hợp tác với Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và tiên tiến, AmCham cam kết ủng hộ lao động và pháp luật về môi trường của Việt Nam, và trở thành doanh nghiệp ưu tú tại Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng tăng, việc các thành viên của AmCham có một sân chơi bình đẳng và việc loại bỏ những rào cản thương mại và đầu tư là cấp thiết.
Chủ tịch AmCham khẳng định, doanh nhân từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu đối với sự phát triển và tăng trưởng của Việt Nam. Đó là tinh thần đổi mới và mang tầm nhìn xa để thay đổi và định hướng sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Việt Nam nối lại quan hệ với Hoa Kỳ. Tinh thần sáng tạo tiếp tục duy trì cho đến hôm nay và được phát huy hơn nữa bởi sự sẵn sàng cho việc cải tiến vượt bật. Xét đến dân số Việt Nam trẻ, đông, và sẵn sàng cho công nghệ mới; con số khổng lồ về người dùng internet và các ứng dụng điện thoại thông minh - tại cả nông thôn và thành thị, và việc gia tăng sản xuất phần mềm và sản xuất công nghệ, Việt Nam và người Việt Nam đã sẵn sàng để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0).

Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2019 (VBF-2019). (Ảnh: Báo DĐDN)
"Với cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tác động đến mọi lĩnh vực, có nhiều yếu tố chủ chốt sẽ hỗ trợ sự đổi mới cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số của Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng hơn là tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nước ngoài khác có thể mang đến các kỹ năng và kỹ thuật cho Việt Nam", bà Amanda Rasmussen phát biểu.
Tuy nhiên, theo bà Amanda Rasmussen, có một vài khía cạnh mấu chốt đang tạo ra các rào cản cho cỗ máy phát triển tiềm năng này và đe dọa giới hạn việc chuyển tiếp của Việt Nam đến Công nghiệp 4.0.
"Nền kinh tế kỹ thuật số là một thành phần chính của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra tại Việt Nam. Duy trì một nền kinh tế kỹ thuật số mở và tự do là chìa khóa để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam và phát huy sự đổi mới. Kinh tế kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến người tiêu dùng với phạm vi lớn hơn, và gia tăng tính tiếp cận với các thị trường mới và lớn hơn. Và một phần lớn trong sự năng động của Việt Nam là sự đổi mới được thực hiện trên nền tảng truyền thông xã hội", Chủ tịch AmCham nhận định.
Với phân tích trên, đại diện AmCham bày tỏ mong muốn "được hợp tác với các nhà lãnh đạo Việt Nam vì điều này giúp đạt được mục tiêu của nền kinh tế kỹ thuật số và các doanh nghiệp của chúng tôi ở vị thế sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh".
AmCham cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam thiết lập chính sách phù hợp cho phép sử dụng ví điện tử và các phương thức thanh toán điện tử khác có thể hỗ trợ làm giảm việc sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho thương mại điện tử hiệu quả hơn, và giảm các tình huống tham nhũng và gian lận. Gia tăng trình độ kỹ thuật số sẽ giúp cho tất cả người Việt Nam, bao gồm nhiều người trong độ tuổi lao động, tiếp cận và chấp nhận sự đổi mới qua đó giúp họ thích nghi được sự thay đổi về kỹ năng và loại công việc cần thiết để hỗ trợ cho cách sống mới và cách thức làm việc mới.
"Bước sang thập kỷ mới, AmCham tiếp tục cam kết phối hợp và hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm góp phần củng cố khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững, và thúc đẩy sự thịnh vượng", bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm