Bất động sản

Phát triển nhà ở xã hội để ‘giải cứu’ thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) đang “điêu đứng” vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến hàng trăm sàn giao dịch ngừng hoạt động, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ các năm 2019. Bộ Xây dựng dự báo sẽ tiếp tục gặp khó đến cuối năm 2020.

Thủ tục pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất của thị trường bất động sản / Covid-19: Giá nhà chỉ tăng, không giảm

800 sàn BĐS ngừng giao dịch

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, so với giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ năm 2014 - 2018), thị trường BĐS 4 tháng đầu năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng. Về lượng giao dịch giảm hơn 40% so với cuối năm 2018, nguồn cung dự án BĐS giảm 10%. Nguyên nhân cơ bản là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng BĐS bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Dự án NOXH HQC Nha Trang đang hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN.

Về giá BĐS tại TP Hà Nội, giá căn hộ chung cư hiện nay tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019; giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3,82%. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%...

Theo Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa BĐS chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay: Giá nhà ở là hợp lý, nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng). Cùng với đó, giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường...

Còn theo thống kê từ Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có đến 800 sàn giao dịch BĐS trong tổng số khoảng 1.000 sàn cả nước phải ngừng hoạt động đến cuối tháng 4.

“Thị trường BĐS từ đầu năm đến nay gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80%, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn về tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp BĐS. HoREA đã đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án thêm 5 tháng đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phát sinh trong tháng 3 đến tháng 6/2020, giãn 12 tháng nộp tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình...”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay.

Tập trung phát triển nhà ở xã hội

 

Theo Nghị quyết 41/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 71/2018 của Quốc hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng thống kê, đến thời điểm này, cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn. Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến hết năm 2020 cả nước xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%. Nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn nên hàng trăm dự án nhà ở thu nhập thấp còn chậm tiến độ.

Tại cuộc họp giữa Bộ Xây dựng với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, BĐS để lấy ý kiến, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS do ảnh hưởng của COVID-19 mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khiến thị trường BĐS nói chung suy giảm, việc được cân đối gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng để phát triển loại hình nhà ở xã hội sẽ kích cầu thị trường.

“Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất, nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại. Như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá nhà ở xã hội khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Nếu giải quyết được nhu cầu thật, người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối tượng được vay mua nhà ở xã hội, trên tinh thần được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn, đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, nhất là công nhân.

 

“Phân khúc nhà ở xã hội, căn hộ bình dân là loại hình BĐS dự báo sẽ có giao dịch tốt trên thị trường sau khi dịch bệnh kết thúc, thậm chí còn tăng giá, bởi nhu cầu thực của người dân lớn. Nếu có được gói hỗ trợ sớm từ Chính phủ, các Bộ, ngành và ngân hàng, thị trường nhà ở xã hội sẽ sớm hồi phục trở lại", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam khẳng định.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm