Khám phá

Bật mí nửa thế kỷ theo dấu khủng long ở Việt Nam

Từ trên 50 năm nay, các nhà khoa học Việt Nam vẫn lặng lẽ lần theo dấu tích loài động vật tiền sử khủng long mỗi khi có cơ hội...

 Theo dấu khủng long

Công tác nghiên cứu cổ sinh vật trên lãnh thổ Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng được các nhà khoa học Pháp tiến hành từ những năm cuối thế kỷ XIX. Nền nghiên cứu khoa học cổ sinh non trẻ của Việt Nam mới chỉ được hình thành từ sau khi chiến thắng thực dân Pháp năm 1954 với một dấu mốc quan trọng. Đó là việc thành lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 do Đovjikov A.E. (1960 - 1962) chủ biên; trong đó có sự tham gia nghiên cứu của các nhà cổ sinh Việt Nam: PGS Dương Xuân Hảo, GS Đặng Vũ Khúc, GS Nguyễn Văn Liêm,  GS Tống Duy Thanh, KS Nguyễn Bá Nguyên, KS Trần Đình Nhân; và sau đó là thành lập Phòng nghiên cứu cổ sinh đầu tiên của Việt Nam (1962) thuộc Tổng cục Địa chất. 
 
Ngược về thời điểm trước năm 1954, các nhà nghiên cứu người Pháp đã có nhiều cuộc thám hiểm vùng núi Trường Sơn của Việt Nam và phía Nam Lào. Kết quả của các cuộc tìm kiếm này khiến giới khoa học toàn cầu sửng sốt, đó là phát hiện 5 mẩu xương hóa thạch đùi khủng long bạo chúa của GS Hoffet (1936) trong trầm tích Creta hạ ở Phalanxay (Mường Pha Lan), tỉnh Savanakhet, cách cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam 150km về phái Tây. 
 
Từ 1990 đến nay, các nhà cổ sinh của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris và các cán bộ của Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Savanakhet đã phát hiện thêm nhiều bộ xương của 6 loài khủng long khác và các hóa thạch cá, rùa, ba ba nước ngọt, hóa thạch thực vật gỗ ở 20 địa điểm khác nhau của tỉnh Savanakhet. Lượng xương hóa thạch khủng long phát hiện được nhiều đến mức, người ta lập hẳn một bảo tàng về các loài khủng long tại TP Savanakhet của Lào. 
 
Một tiêu bản khủng long được trưng bày ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
 
Đối với các nhà khoa học Việt Nam thì việc tìm kiếm dấu tích khủng long trên lãnh thổ Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó là cơ sở để lập lại bối cảnh cổ địa lý, cổ môi trường lục địa của hai kỷ Jura và Creta trên lãnh thổ Việt Nam và đối sánh địa tầng với các khu vực Đông Nam Á, Nam Trung Quốc, Đông Bắc Á và các nơi khác trên thế giới. 
 
Điều đó giúp mọi người có hình dung tổng quát về lịch sử hình thành lãnh thổ của nước ta nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung ở thời kỳ địa chất từ 201 - 66 triệu năm trước. Ngoài ra, nó còn có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục công dân bảo vệ môi trường thông qua việc trực quan hóa quá trình biến mất của loài khủng long trên Trái Đất do tác động của biến đổi khí hậu và môi trường.
 
Theo TS Nguyễn Hữu Hùng, Tổng Thư ký Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam thì công việc đi tìm khủng long mới chỉ dừng ở mức tự phát. Có nghĩa là từ trước đến nay chưa có một đề tài nào về nghiên cứu, tìm kiếm hóa thạch khủng long trên lãnh thổ Việt Nam. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang cùng các nhà khoa học Nhật Bản cố gắng dàn dựng một đề án tìm kiếm các dấu vết và hóa thạch khủng long của hai kỷ Jura và Creta trên lãnh thổ Việt Nam. Hy vọng đề án sẽ được Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam chấp thuận đưa vào thực hiện từ năm 2015. 
 
Dấu chân khủng long được các nhà khoa học phát hiện.
 
  Phát hiện địa tầng khủng long
Theo TS Nguyễn Hữu Hùng, nhóm khủng long (Dinosaura) sống chủ yếu trên cạn. Chúng thống trị trong đại Trung sinh cách ngày nay 252 - 66 triệu năm trước (=Trn.=Ma.). Đại Trung sinh gồm 3 kỷ: Trias (252 - 201 Trn.), Jura (201 - 163 Trn.) và Creta (163 - 66 Trn.) Kỷ Jura là đỉnh cao của sự phát triển của các loài khủng long. Một số loài khủng long ăn cỏ dài tới 52m, đường kính bàn chân rộng 1m và có thể nặng tới trên 130 tấn. Cuối kỷ này xuất hiện chim thủy tổ (chim thủy tổ = Archaeopteryx) tiến hóa từ động vật bò sát. Sang kỷ Creta khủng long bạo chúa Tirranosaurus thống trị trên khắp các lục địa. Thằn lằn bay (Pterosauria) thống trị trên không trung, trong đó có thằn lằn bay Quetzalcoatlus, sải cánh 12m, ngang với một máy bay cỡ nhỏ. 
 
Sự tuyệt chủng hàng loạt của tất cả các loài khủng long vào cuối kỷ Creta được các nhà khoa học giả thiết cho rằng, do một thiên thạch lao vào Trái Đất, không chỉ phá hủy một vùng rộng lớn, mà còn gây động đất kích thích, hoạt động núi lửa, lở đất, sóng thần, gây biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu. Bằng chứng là năm 1970, các nhà khoa học đã phát hiện ra hố thiên thạch khổng lồ, đường kính tới 180km ở bán đảo Yucatan, ngoài vịnh Mêhicô được coi là thủ phạm gây ra tuyệt diệt hàng loạt cho động vật khủng long ở ranh giới giữa hai kỷ Creta và Palaeogen trên toàn hành tinh. 
 
TS Nguyễn Hữu Hùng, người có nhiều nghiên cứu, tìm tòi trong lĩnh vực cổ sinh, địa tầng.
 
Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện ra thể trầm tích được hình thành trong môi trường đầm hồ lục địa của hai kỷ Jura và Creta. Chúng phân bố ở một số vùng thuộc các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, các đảo Phú Quốc, quần đảo An Thới, đảo Thổ Chu trên vịnh Thái Lan của tỉnh Kiên Giang. Đây là những tiền đề về địa tầng, tướng trầm tích và cỏ môi trường cho công tác tìm kiếm dấu vết và hóa thạch khủng long. 
 
Tuy nhiên, địa hình phân bố của thể trầm tích này trên lãnh thổ Việt Nam có sự khác biệt lớn so với phía Tây Trường Sơn, Nam Lào. Đó là địa hình núi cao và thường bị chia cắt bởi các hoạt động đứt gãy kiến tạo, chứ không trải dài trên cao nguyên bằng phẳng, diện tích rộng hàng trăm cây số như ở Lào. Điều này nói lên rằng, việc tìm kiếm khủng long ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với Lào. 
 
TS Nguyễn Hữu Hùng tiết lộ: "Hiện ở Việt Nam có vài mẩu xương hóa thạch khủng long do Hoffet (1936) sưu tập ở Phalanxay (Mường Pha Lan), thế nhưng những mẩu xương này bị phân tán ở nhiều nơi. Có 3 mẩu còn được lưu giữ ở Bảo tàng Địa chất, số 6 Phạm Ngũ Lão, 1 mẩu ở trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội và có thể 1 mẩu ở Bảo tàng Địa chất, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM. 
 
Theo Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo