Pháp luật

Bắt tạm giam ông Trầm Bê: Vì sao"đại gia" vướng vòng lao lý?

Ông Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch Sacombank vừa bị bắt tạm giam sau hàng chục năm gây dựng được nhiều dấu ấn trên thương trường, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.

Theo nguồn tin của Bộ Công an, Cơ quan CSĐT - C46 đang thụ lý điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây Dựng VN – VNCB, theo tin tức trên báo Lao động. 

Ông Trầm Bê - Ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ

Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, ngày 31.7.2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái...”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra Lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.

Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh của Cơ quan CSĐT, trong đó có: Bị can Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và bị can Phan Huy Khang (SN 1973, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank).

Trong số 25 bị can, có 16 bị can bị bắt tạm giam. Trong đó có Trầm Bê, Phan Huy Khang, Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Cty quản lý quỹ Lộc Việt), Đỗ Phương Nam (Phó giám đốc Cty Cổ phần Đại Phát)… Ngoài ra, có 4 bị can đang thi hành án ở một số vụ án khác, 5 bị can được tại ngoại. Theo điều tra ban đầu, hành vi của ông Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã gây thiệt hại 6.600 tỉ đồng.

Trong chiều 1/8, Cơ quan CSĐT đang tiến hành khám xét nhà của ông Trầm Bê tại quận 6 và quận Bình Tân, TPHCM. Đồng thời, lực lượng Bộ Công an cũng tiến hành khám xét nhà ông Phan Huy Khang tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Cơ quan CSĐT tiến hành lập biên bản, thu giữ một số tài liệu liên quan trong vụ án.

Dù không gây thiệt hại cho Ngân hàng Sacombank, song ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD nhà băng này) vừa bị Bộ Công an bắt giam cùng hàng loạt người do sai phạm, tiếp tay cho ông Phạm Công Danh gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng (trong tổng cộng 15.000 tỷ đồng) tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB.

 

Theo điều tra, đứng trước việc thua lỗ nghiêm trọng trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại tín (TrustBank) thành VNCB, Chủ tịch Phạm Công Danh đã thực hiện hàng loạt hành vi để có vốn cho nhà băng tồn tại, báo Vnexpress đưa tin.

Khoảng tháng 4/2013, để có tiền trả các khoản vay trước đó tại Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Danh cùng dàn lãnh đạo cấp dưới đến gặp ông Trầm Bê đề nghị vay 1.800 tỷ đồng.

Do quen biết từ trước, ông Bê đồng ý cho vay với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Ông Bê dẫn ông Danh đến gặp Phan Huy Khang (thành viên hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc Sacombank), chỉ đạo Khang làm hồ sơ cho vay. 

Phần ông Danh phân công Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (34 tuổi, TV HĐQT) chuẩn bị tiền đảm bảo và làm 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty (do ông Danh thành lập) để vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản. Giám đốc các công ty này hầu hết là nhân viên bảo vệ, tài xế… của Tập đoàn Thiên Thanh được thuê đứng tên.

Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký duyệt hai tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty của Phạm Công Danh. Việc giải ngân được thực hiện trước, khách hàng bổ sung chứng từ sau.

 

Nhà chức trách cho rằng, từ "lệnh" này của ông Bê, Chi nhánh Hưng Đạo và Chi nhánh quận 8 Sacombank chuyển 1.800 tỷ đồng vào tài khoản của ông Danh ngay sau đó. Số tiền này ông Danh trả nợ cho BIDV 1.700 tỷ đồng - khoản vay để chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng.

Một năm sau, do 6 công ty của ông Danh không trả tiền, Sacombank lập tức trừ nợ 1.800 tỷ đồng gốc và 35 tỷ tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại nhà băng mình.

Cơ quan điều tra xác định, trong phi vụ này ông Trầm Bê có chủ trương "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau", giúp ông Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Lao động, Vnexpress)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo