Hỗ trợ doanh nghiệp

Các tổ chức quốc tế phản đối dự thảo "nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su phải đóng phí xử lý chất thải"

DNVN - Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của nhà sản xuất, nhập khẩu thì nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su phải đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải ở mức 1,8% tổng giá trị lô hàng được bán trên thị trường trong 1 năm.

Lực lượng QLTT toàn quốc vừa kiểm dịch, vừa kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm / Chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
Theo phụ lục 52 của dự thảo: Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm kẹo cao su phải có trách nhiệm tái chế thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm bao bì được sử dụng. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su phải đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải ở mức 1,8% tổng giá trị lô hàng được bán trên thị trường trong 1 năm và thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Đề xuất không đảm bảo hiệu quả giải quyết vấn đề rác thải kẹo cao su
Tại Hội thảo trực tuyến “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 16/6, Hiệp hội ngành thực phẩm châu Á (FIA) và Hiệp hội Kẹo Cao su Quốc tế (ICGA) đã phản đối đề xuất phí kẹo cao su ở Việt Nam.
Theo FIA, đề xuất chính sách này không đảm bảo hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề rác thải kẹo cao su. Những lý do được FIA đưa ra gồm: Mức phí được đề xuất về mặt bản chất là phân biệt đối xử bởi nó chủ yếu đánh vào các công ty không phải là công ty Việt Nam. Mức phí được đề xuất sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và do đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, bởi các nhà sản xuất kẹo cao su có nhà máy ở Việt Nam và đang sử dụng lao động địa phương. Mức phí này là không công bằng và không tương xứng do quy mô tương đối nhỏ của bã kẹo cao su trong tổng khối lượng chất thải rắn ở Việt Nam.

Ông Edwin Seah - đại diện FIA phát biểu tại hội thảo.
Theo giải thích của đại diện FIA, việc thải bỏ bã kẹo cao su không đúng cách chủ yếu là do vấn đề thiếu ý thức từ người tiêu dùng về việc thải bỏ sản phẩm đúng cách.
Đại diện FIA cho rằng, biện pháp tốt nhất nhằm giải quyết vấn đề này nên được thực hiện thông qua nỗ lực chung giữa người tiêu dùng, chính quyền địa phương, Chính phủ, và các nhà sản xuất nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng.
Theo quan điểm của FIA, quan trọng là cần có thông tin định tính, định lượng đáng kể nhằm đánh giá hiệu quả, cũng như để ngành và Chính phủ có thể xem xét hoặc phát triển các dữ liệu đó (nếu không sẵn có) về tác động của rác thải kẹo cao su trên tổng khối lượng chất thải ở Việt Nam.
Vấn đề bã kẹo cao su có thể bị thổi phồng lên do nhận thức sai lầm về kẹo cao su là rác thải chứ không phải thực phẩm (chỉ một phần nhỏ khối lượng kẹo cao su (20-30%) còn sót lại sau khi nhai.

Liệt kê kẹo cao su vào dự thảo Nghị định là phân biệt đối xử
Cùng quan điểm, ông Richard F. Mann - Cố vấn của Hiệp hội Kẹo cao su Quốc tế (ICGA) cho biết, việc liệt kê kẹo cao su vào dự thảo nghị định là không tương xứng và gây phân biệt đối xử bởi không có sản phẩm thực phẩm nào khác được liệt kê trong Dự thảo Nghị định. Không có loại thực phẩm là “độc hại”, “khó khả
năng tái chế”, hoặc “gây khó khăn cho thu gom” - vốn là những tiêu chí cho các sản phẩm trong Dự thảo Nghị định
Theo ông Richard F. Mann, các biện pháp trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ trừng phạt phần lớn người tiêu dùng đã thải bỏ sản phẩm đúng cách. Các biện pháp EPR sẽ không thúc đẩy hoặc khuyến khích các hành động thải bỏ đúng cách. Các biện pháp EPR sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm kẹo cao su cao hơn.

Theo ICGA), việc liệt kê kẹo cao su vào dự thảo Nghị định là không tương xứng và gây phân biệt đối xử.
"Giá thành cao hơn sẽ không khuyến khích việc tiêu dùng một sản phẩm thực phẩm đem lại các lợi ích sức khỏe đã được chứng minh bằng khoa học. Việc nhai kẹo cao su không đường (vốn chiếm phần lớn thị phần kẹo cao su) có thể thúc đẩy quá trình tái khoáng răng, trung hòa acid mảng bám, và giảm nguy cơ sâu răng. Việc nhai kẹo cao su cũng có tác dụng giảm stress", ông Richard F. Mann nói.
Cũng theo ông Richard F. Mann, ngành công nghiệp kẹo cao su tích cực thúc đẩy thải bỏ đúng cách thông qua dán nhãn trên bao bì. ICGA đã làm việc với các chính phủ, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy ý thức cộng đồng, thay đổi hành vi người tiêu dùng, với những thành công nhất định.
"ICGA sẵn sàng làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, VCCI, FIA cũng như các bên liên quan khác để thảo luận các sáng kiến về thúc đẩy giáo dục người tiêu dùng. ICGA và các thành viên đang hoạt động tại Việt Nam có thể chia sẻ thông tin về những điều đã và chưa hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng và thay đổi hành vi", ông Richard F. Mann cho biết.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm