Khởi nghiệp

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

DNVN – Theo ông Phan Ngọc Thọ, làm sao để Huế phát triển là câu hỏi mà lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trong thời gian qua. Thông qua buổi đối thoại, mong nhận được nhiều ý kiến, hiến kế của doanh nghiệp, Startup, để có những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn trong công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng hiệu quả và thành công.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phải đảm bảo tiến độ khởi công các dự án trọng điểm dù ảnh hưởng Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt bão Covid-19

Lắng nghe doanh nghiệp, Startup hiến kế để Huế phát triển

Chiều 5/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có buổi đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi, chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trao đổi, chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, làm sao để Huế phát triển, là câu hỏi mà lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì con đường duy nhất để phát triển đó là phải đổi mới; không đổi mới, vươn lên thì chúng ta sẽ tụt hậu.

Ông Thọ cho rằng, để đáp ứng và theo kịp sự phát triển của xã hội, của thế giới thì mỗi chúng ta, những người lãnh đạo, các doanh nghiệp, doanh nhân phải thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo ngay từ ý tưởng cho tới hành động.

“Buổi đối thoại hôm nay, lãnh đạo tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi từ phía các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp để chính quyền có thể nắm bắt nhiều hơn các tâm tư nguyện vọng cũng như có những hiến kế từ các doanh nghiệp để từ đó có những bước đi, giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn trong công tác điều hành; hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng hiệu quả và thành công”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, mong mỏi.

Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, các thanh niên, Startup, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều câu hỏi và được các lãnh đạo tỉnh, sở ban, ngành liên quan giải đáp, thông tin những nội dung liên quan, như cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đối với việc hỗ trợ cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp; giải quyết việc làm, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn, tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế...

Theo đánh giá của Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2016-2019, tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là địa phương có sự tăng trưởng nhanh, các hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh trong gần 5 năm qua có nhiều khởi sắc, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các trường Đại học, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhiều câu hỏi, ý kiến, hiến kế của doanh nghiệp, Startup được chia sẻ tại buổi đối thoại.

Nhiều câu hỏi, ý kiến, hiến kế của doanh nghiệp, Startup được chia sẻ tại buổi đối thoại.

Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thanh niên, tuổi trẻ khởi nghiệp, vươn lên lập thân lập nghiệp, xây dựng quê hương, đất nước.

Ông Thọ kêu gọi, mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải luôn có đam mê, khát vọng và bước vào khởi nghiệp với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động cao nhất. Đồng thời, phải chuẩn bị về ý tưởng, kiến thức, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm... tạo cơ hội thành công cao hơn.

"Thanh niên, sinh viên hãy phát huy sức trẻ, khả năng sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế công, nông nghiệp theo xu thế phát triển của thời đại để tạo thu nhập cho gia đình, làm giàu cho xã hội", Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.

Vinh danh, trao giải cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc năm 2020

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST năm 2020.

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng số lượng cá nhân, doanh nghiệp tham gia dự Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST Thừa Thiên Huế đông và chất lượng hơn so với trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trao giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 cho tác giả Nguyễn Phương Duy.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ trao giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 cho tác giả Nguyễn Phương Duy.

Khởi động Cuộc thi từ tháng 7, Ban tổ chức đã nhận được 56 hồ sơ với các ý tưởng, dự án tham dự trên các lĩnh vực, góp phần tạo nên làn sóng mạnh mẽ Khởi nghiệp ĐMST ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trên cơ sở khách quan, bình chọn chất lượng, Hội đồng Ban giám khảo đã chọn 30 ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng vào vòng bán kết, sau đó tiếp tục đánh giá bình chọn 16 ý tưởng, dự án có tiềm năng nhất vào vòng chung kết. Những ý tưởng, dự án này thuộc các lĩnh vực giáo dục, du lịch thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tài nguyên bản địa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa ...

Trên cơ sở đánh giá lựa chọn ở vòng chung kết, Ban tổ chức đã chọn 9 ý tưởng, dự án xuất sắc trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và quyết định trao 1 giải Nhất cho dự án: AIQuant - Hệ thống phân tích dữ liệu thông minh tự động AI của tác giả Nguyễn Phương Duy.

Đây là dự án tiên phong tại Việt Nam trong ứng dụng các khoa học dữ liệu, dự báo, trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ phần mềm trong lĩnh vực tài chính. Sản phẩm của dự án là công cụ phân tích chuyên sâu, đa chiều, khoa học và đáng tin cậy về tình hình tài chính doanh nghiệp, dữ liệu thị trường tức thời, báo cáo phân tích chứng khoán hữu ích, công cụ quản lý đầu tư tối ưu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam và quốc tế.

Bên cạnh đó, 2 dự án được trao giải Nhì là: Ứng dụng Mobile "Huế-Trippal" của tác giả Thái Hoàng Lâm và cộng sự về ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone, được thiết kế riêng cho du khách đến Huế và dự án “Hệ sinh thái Du lịch dựa vào cộng đồng và phát huy các giá trị tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông” của Công ty CP Đầu tư và dịch vụ YesHue.

Ngoài ra có 3 dự án được giải Ba là: Nâng cao giá trị kinh tế và thương mại hóa sản phẩm từ cây Atiso đỏ tại Thừa Thiên Huế của Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại và dịch vụ HICHAGOL; Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại làng cổ Phước Tích, Phong Hòa, Phong Điền của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Việt Huế và Dân ca Huế trong Hòa tấu cổ điển của Đinh Thị Hoài Xuân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn quyết định trao thêm 1 giải A và 2 giải B cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng và có tính sáng tạo cao.

Ngoài các giải chính trong khuôn khổ cuộc thi, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn quyết định trao thêm 1 giải A và 2 giải B cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng và có tính sáng tạo cao.

Cùng với các giải thưởng trên, dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ còn quyết định trao 1 giải A và 2 giải B cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng, sáng tạo cao là các dự án: Tranh hoa giấy May PAPER FLOWER của tác giả Phan Ngọc Hiếu và cộng sự; Sản xuất dung dịch vệ sinh phụ nữ từ hỗn hợp nano của Lê Thị Kim Anh và cộng sự; Phát triển tiềm năng tre của Công ty TNHH Giáo dục và phát triển tiềm năng trẻ FMK.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm