Hỗ trợ doanh nghiệp

Cơ chế Một cửa quốc gia: Doanh nghiệp kiến nghị phải đồng bộ 3 khâu quan trọng

DNVN - Tính đến nay, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng đã tiếp cận và sử dụng Cơ chế Một cửa quốc gia (MCQG) khá nhiều. Tuy nhiên, việc triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) qua cơ chế này vẫn còn gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hà Nội nghiêm cấm tự đặt ra các TTHC gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp / Hà Nội: Hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần vì TTHC

Theo Báo cáo "Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp khảo sát và công bố vào sáng 22/6 tại Hà Nội, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hiện hoạt động tốt. Tỉ lệ DN đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%.
Dù vậy, vẫn có một tỉ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin, chẳng hạn như 27% DN chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp những lỗi kết nối; khoảng 20% DN phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên Cổng còn chậm và việc chữ ký số hiện còn khá lúng túng, còn gặp trục trặc lên tới 11%.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, DN thực hiện các thủ tục thuộc Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ gặp khó khăn hơn so với thủ tục hành chính của các bộ, ngành khác.
Có 26% DN gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế có tỉ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.
Nguyên nhân chính của những khó khăn bao gồm: Hệ thống xử lý thủ tục của Bộ quản lý chuyên ngành chưa điện tử hoàn toàn; một số DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần; thời gian các bộ ngành xử lý hồ sơ của một số DN tương đối lâu.
Các DN được khảo sát cũng cho rằng, về cơ bản việc triển khai Cơ chế MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ, ngành. Có 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận thời gian doanh ngiệp phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi; số ngày tiết kiệm hơn so với phương thức truyền thống khoảng từ 1-3 ngày và số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định.
Song, có tỉ lệ đáng kể DN không nhận thấy thay đổi tích cực trong việc thực hiện thủ tục của Bộ Y tế trên Cổng MCQG so với phương thức cũ.
Đánh giá chung về khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI - thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết, qua điều tra có thể thấy được rằng, các TTHC đã giảm khá nhiều thời gian, chi phí cho DN và DN hài lòng, đánh giá cao một số tiêu chí. Tuy vậy, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, cần có cách tiếp cận mới, đó là phân tách thủ tục cho rõ ràng bởi hơn ai hết, cộng đồng DN sử dụng những dịch vụ này rất sòng phẳng với những đánh giá chính xác bao gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Đồng tình với kết quả của nghiên cứu trên, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu, là ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu rất lớn nên các DN hoạt động trong ngành này phải làm các thủ tục, đặc biệt là thủ tục xuất nhập khẩu rất nhiều.
Kiến nghị giải pháp để Cơ chế MCQG cũng như Cổng dịch vụ công quốc gia phát huy tác dụng hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có DN dệt may, ông Trương Văn Cẩm cho rằng cần phải làm thế nào để đồng bộ 3 khâu quan trọng, đó là công nghệ, thiết bị; con người và văn bản quy phạm pháp luật.
Về công nghệ, thiết bị, theo ông Trương Văn Cẩm phải đồng bộ từ trên xuống dưới, không để xảy ra tình trạng trục trặc.
"Theo phản ánh của DN, đôi khi vào khai báo dữ liệu hệ thống bị trục trặc làm mất thời gian và tốn kém hơn so với trước đây. Do đó, chúng tôi kiến nghị hệ thống công nghệ, thiết bị cần phải đảm bảo thông suốt hơn để cả hệ thống vận hành trôi chảy", ông Cẩm nói.
Về con người, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, đại đa số công chức là tâm huyết nhưng cũng có một bộ phận chưa có nhận thức tốt nên khi DN gặp khó khăn không nhận được sự trợ giúp từ bộ phận công chức, việc giải đáp đôi khi chưa đến nơi đến chốn khiến DN không mặn mà.
"Vấn đề con người cũng do một phần từ phía DN bởi không phải DN nào cũng như DN nào. Có DN có những cán bộ đủ trình độ, năng lực nhưng cũng có DN, đặc biệt là các DNNVV năng lực cán bộ còn yếu. Do vậy, họ rất cần sự hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn", ông Cẩm chia sẻ.
Về các văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Cẩm cho rằng, đôi khi DN cũng khó thực hiện trơn tru, hiệu quả khi các văn bản của các cơ quan Nhà nước, bộ ngành có những quy định phức tạp. Khi đã thực hiện Cơ chế MCQG cũng như Cổng Dịch vụ công quốc gia thì các văn bản ban hành ra phải tương thích để khai báo trong cơ chế và cổng. Thực tế nhiều văn bản đã có sự thay đổi nhưng cũng còn nhiều văn bản vowisi quy định phức tạp, mà đôi khi DN muốn triển khai theo Cơ chế MCQG cũng khó.
"Thời gian tới cần sự vào cuộc của các bên để giải quyết khó khăn cho cộng đồng DN, để cơ chế này vận hành một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất cho người sử dụng", ông Cẩm kiến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm