Xã hội

Đào vỉa hè ẩu, phải đốn cây hàng loạt

Đơn vị thi công ẩu xâm hại kết cấu rễ cây, làm các cây xanh có thể ngã, đổ bất kỳ lúc nào nên phải đốn hạ.
Những ngày gần đây, nhiều người đi ngang qua hoặc đến Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) sinh hoạt tỏ ra ngạc nhiên và nuối tiếc khi thấy cây xanh ở các tuyến đường quanh công viên này bị đốn hạ không thương tiếc.
 

Bỗng dưng bị chặt

 

“Tôi thấy nhiều cây đang tươi tốt, không hiểu sao họ lại chặt đi. Đây là khu vực công viên, đã không trồng thêm cây cho mát cớ sao lại chặt bớt” - anh Nguyễn Minh (hay đến Công viên Hoàng Văn Thụ tập thể dục) hụt hẫng.

 

Nhiều người khác cũng thắc mắc không hiểu vì sao cây xanh ở đây lại bị đốn hạ quá nhiều. “Tui thấy họ đốn cây hàng loạt. Tiếc quá trời nhưng không hiểu vì sao. Hay là họ đốn cây để phục vụ cho việc thi công vỉa hè. Mà làm vỉa hè thì phải có phương án bảo vệ cây, mắc mớ gì phải chặt bỏ” - một phụ nữ đi đường tiếc nuối khi thấy chúng tôi chụp ảnh một cây lim to đang bị đốn hạ trên đường Phan Thúc Duyện, gần Công viên Hoàng Văn Thụ.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong hai ngày 15 và 16-1, tại đường Phan Thúc Duyện có ít nhất ba cây lim xẹt bị đốn hạ. Nhiều cây khác trên tuyến đường này cũng bị cắt tán, hạ thấp chiều cao. Tại đường Hoàng Văn Thụ có khoảng bảy cây phượng vĩ đang xanh tốt cũng bị đốn hạ.

 

Thi công ẩu làm nhiều cây xanh bị xâm hại, có nguy cơ ngã bất thình lình nên phải đốn hạ.

 

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy công nhân đốn hạ cây mặc đồng phục của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP. Một công nhân cho biết họ là người của Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2, thuộc Công viên Cây xanh TP. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nguyên nhân đốn cây thì họ không nói. “Tụi em làm theo lệnh của giám đốc. Mấy anh muốn biết rõ thì liên hệ với công ty” - một công nhân trả lời.

 

Chúng tôi liên hệ với giám đốc Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 (đơn vị đốn hạ cây) nhiều lần nhưng vị này không nghe máy.

 

Hợp thức hóa vi phạm?

 

Một cán bộ Sở GTVT TP cho biết công trình thi công vỉa hè khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (gọi tắt Khu 1, thuộc Sở GTVT TP) làm chủ đầu tư. Cây xanh ở khu vực này cũng do Khu 1 quản lý. Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 chỉ là đơn vị được thuê để chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây.

 

Về tình trạng đốn hạ hàng loạt cây tại khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ, nguồn tin PV cho biết cán bộ Phòng Quản lý công viên cây xanh của Khu 1 có biết và ghi nhận tình trạng này. Cụ thể, vào ngày 14-1, đại diện Phòng Quản lý công viên cây xanh của Khu 1 và đại diện Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 có lập biên bản ghi nhận có đến tám cây xanh loại I (đường kính 10-20 cm) và hơn 20 cây loại II (đường kính 20-50 cm) bị đơn vị thi công vỉa hè làm ảnh hưởng đến kết cấu bộ rễ khiến cây có nguy cơ ngã, đổ bất thình lình.

 

Do khu vực thi công vỉa hè người qua lại rất đông, sợ cây ngã bất ngờ gây tai nạn nên ngày 15-1, Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 buộc phải đốn hạ khoảng 10 cây. Trước khi đốn hạ, đại diện Khu 1 và Xí nghiệp quản lý cây xanh số 2 tiếp tục lập biên bản, xác định nguyên nhân phải đốn hạ. Trong biên bản thể hiện rõ đơn vị thi công sử dụng phương tiện cơ giới đào, bóc vỉa hè sâu xuống sát gốc cây, tháo dỡ bó vỉa cây, xâm hại rễ cây (đứt rễ cây, trầy xước thân, gãy cành) làm cho bộ rễ nổi lên, các cây xanh có thể ngã, đổ bất kỳ lúc nào nên phải đốn hạ. Biên bản này không thấy đề cập đến việc xử lý trách nhiệm đơn vị thi công ẩu.

 

Chiều 19-1, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết sẽ tiến hành kiểm tra những thông tin báo phản ánh. Nếu vụ việc đúng như báo nêu sẽ xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan.

 

 Các chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh cho biết để trồng được một cây xanh cao lớn như cây bị đốn hạ ở Công viên Hoàng Văn Thụ mất khoảng 10 năm. Tiền trồng cây, chăm sóc, duy tu hằng năm cộng lại cũng không nhỏ. Do đó để trồng được cây thay thế cho bóng mát tương tự phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Theo PLTPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo