Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước - vai trò nòng cốt

Doanh nghiệp nhà nước đã và đang trở thành công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, cũng như góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong những năm qua, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp nước ta phát triển trong điều kiện cơ hội đan xen nhiều thách thức. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang phát huy vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương cho thấy, năm 2017 doanh thu các Tập đoàn, Tổng công ty trong Khối ước đạt 1.458,11 nghìn tỷ đồng, tăng 11,23% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị ước đạt 120,141 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2016; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 220,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016...

Lãnh đạo Đảng ủy, Tập đoàn, Công đoàn Điện lực Việt Nam trao quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại Viện huyết học – Truyền máu Trung ương. Ảnh: S.T.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Mặc dù có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, chính trị, tuy nhiên, khu vực này không phải không còn những hạn chế. Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trượng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), có thể thấy hiện nay trách nhiệm giải trình về quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh không rõ. Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn thiếu, chưa được coi trọng hoặc chưa đủ mạnh để tạo áp lực, buộc cá nhân, tổ chức được giao quản lý DNNN phải thực hiện đúng các chủ trương đổi mới. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ thì mới đảm bảo kiểm soát được hiệu quả phân bổ nguồn lực đến đâu cũng như làm rõ được trách nhiệm quản lý.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm mục tiêu đến năm 2020 cơ cấu lại, đổi mới DNNN trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Để triển khai Nghị quyết số 12, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020. Theo đó, các Tập đoàn, Tổng công ty trong Khối đã được nằm trong danh sách như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Tuy nhiên tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động; nhiều DNNN chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm cổ phần hóa, thoái vốn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo đề án, lộ trình thoái vốn và đặc biệt là không nắm giữ những doanh nghiệp không cần thiết. Thủ tướng khẳng định, cổ phần hóa DNNN góp phần quan trọng chống tham nhũng.

Nữ tiếp viên Việt Nam Airlines chuẩn bị các chú gà bông trao đến những hành khách VNA dịp Trung thu. Ảnh: S.T.

Theo báo cáo của CIEM, mục tiêu tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đến năm 2020 nên theo hướng cơ cấu lại ngành nghề, quản trị và hiệu quả - lợi nhuận - cạnh tranh. Sẽ có 240 doanh nghiệp nhà nước cần sắp xếp lại trong giai đoạn này. Trong số đó, 103 DNNN cả Trung ương lẫn địa phương vẫn tiếp tục được duy trì. 31 DNNN chiếm cổ phần sở hữu chi phối, phần lớn là tập đoàn, tổng công ty quan trọng và 106 doanh nghiệp cổ phần hoá nhà nước giữ dưới 50% vốn.

 

Tích cực hỗ trợ cộng đồng

Thực tế bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh kinh tế, các đơn vị trong khối cũng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội. Những năm qua, các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương đã tham gia hỗ trợ công tác an sinh xã hội với tổng trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng, trong đó tập trung vào phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, hỗ trợ hộ nghèo; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; đào tạo dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Năm 2017, các doanh nghiệp cũng đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội, với tổng số tiền thực hiện ước đạt 2,17 nghìn tỷ đồng. Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối tích cực thực hiện theo cam kết, tập trung các công trình xây dựng trường học, công trình giao thông cho trên 10 huyện nghèo với tổng số tiền ước thực hiện 269,67 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện 69,6 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện 18 tỷ đồng, Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP thực hiện 10 tỷ đồng...

Đoàn Thanh niên EVN tặng quà cho trẻ em nghèo tỉnh Lai Châu. Ảnh: S.T.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch hành động thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” theo tinh thần Nghị quyết TW 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cấp ủy, lãnh đạo ngân hàng trong Khối đã triển khai hiệu quả các tiện ích hỗ trợ cho vay về vốn, tiết giảm các thủ tục hành chính, lãi suất thấp... Đặc biệt, xác định rõ vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, những năm qua, các doanh nghiệp, ngân hàng đã tích cực tham gia nhiều hoạt động phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của DNNN vẫn phải là kinh doanh có lãi. Theo TS Nguyễn Đình Cung, trước mắt Việt Nam cần đi vào những chỉ tiêu cụ thể của từng doanh nghiệp. Ví như ở một doanh nghiệp đang hoạt động thua lỗ thì doanh nghiệp đó cần phải đặt mục tiêu có lãi; đối với doanh nghiệp đang lợi nhuận ít thì phải hướng đến giải pháp tăng lợi nhuận.

 

Với mục tiêu chính giúp các DNNN hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổ trưởng Tổ công tác Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngay trong quý I/2018 phải bảo đảm thành lập được Ủy ban, để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này.

Nên đọc
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo