Chuyển đổi số

4 bước để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

DNVN - Chuyển đổi số đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh đoàn tàu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì và phải làm như thế nào để chuyển đổi số thành công?

Doanh nghiệp băn khoăn về đề xuất cấp đông thịt lợn sạch / 5 tháng 2019: Các DN bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu của đổi mới sáng tạo" do Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) tổ chức mới đây, ông Ngô Minh Toàn – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - khẳng định: Chuyển đổi số chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cả quốc gia nói chung phát triển nền kinh tế vẫn còn tồn tại sự "lạc hậu" và đẩy nhanh tiến độ, bắt kịp với xu hướng thời đại. Nhưng đây cũng chính là một thách thức lớn đối với quốc gia khi hiện nay các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, nhất là DNNVV vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc CMCN lần thứ 4.
"Rất nhiều người hiểu nhầm về khái niệm chuyển đổi số, hoặc chưa hình thành, chưa hình dung hết mức độ của khái niệm. Trên thế giới, khái niệm chuyển đổi số được nhắc đến như một xu hướng của tương lai và không thể khác được. Dù có nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng, thách thứ trong chính sách quản lý, Việt Nam vẫn có những lợi thế như làm chủ các công nghệ nổi bật của CMCN 4.0 và xây dựng một nền kinh tế chia sẻ", ông Toàn cho biết.
Lợi ích của chuyển đổi số
Về cơ bản, chuyển đổi số dẫn đến sự thay đổi mô hình kinh doanh. Dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu CMCN 4.0 đến thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Do vậy mục tiêu chuyển đổi số đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều DN.
Theo ông Lui Seih, chuyên gia tư vấn cao cấp về chuyển đổi số đến từ Hoa Kỳ cho biết: Chuyển đổi số bao gồm phần số và chuyển đổi. Phần số là những kênh kết nối con người với máy móc, hoặc giữa con người - máy móc với thông tin. Chuyển đổi bao gồm việc chuyển đổi về mô hình tổng thể, mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức. Hai phần này ghép lại với nhau sẽ thành chuyển đổi số.

Chuyên gia Lui Seih chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo.

Chuyên gia Lui Seih chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo.

Đánh giá về lợi ích của chuyển đổi số, chuyên gia này cho rằng, cả DN và khách hàng đều được hưởng lợi từ chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số, khách hàng có thêm trải nghiệm mới. Với DN: không chỉ thay đổi về mô hình kinh doanh mà còn có thể giúp họ trong thời gian tiếp theo đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vì đòi hỏi, nhu cầu của khách hàng ngày càng cao về dịch vụ, sản phẩm, trải nghiệm...
"Xét tổng thể, DN và khách hàng đều được lợi. Đặc biệt hơn sau khi chuyển đổi số, DN còn có những bước tiến về mô hình kinh doanh, công nghệ của mình để có thể tiếp bước trong tương lai", ông Lui Seih nhấn mạnh.
Nói về tác động ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số của DN Việt, ông Lui Seih khẳng định: VN hiện đang có lợi thế rất tốt bởi trong 2, 3 năm trở lại đây tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh khi GDP tăng trưởng từ 6 - 7 % và vẫn đang trên đà tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, môi trường kinh tế và và đầu tư đang thuận lợi và nhìn chung bức tranh toàn cảnh của Việt Nam đang rất tươi sáng.
Lợi thế tiếp theo của VN là con người. Hầu hết dân số của VN rất trẻ, ham học hỏi và có kiến thức về công nghệ. Những người trẻ này là một phần của kiến tạo tương lai, giúp chúng ta thích ứng được trong môi trường tương lai. Việc các nước trong khu vực Đông Nam Á xung quanh Việt Nam đang trên bước tiến chuyển đổi số cũng được coi là một lợi thế cho VN. Hơn nữa, chính sách của Việt Nam đang đi từ dưới lên, tức là vì lợi ích của con người, trong khi các nước khác áp dụng chính sách từ trên xuống.
Tuy nhiên, ông Lui Seih lưu ý, với Việt Nam, điểm cần tập trung để chuyển đổi số là cơ chế chính sách. Việt Nam nên có cơ chế chính sách thích hợp để chuyển đổi số diễn ra thành công, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
4 bước để DN chuyển đổi số thành công
Vậy các DN cần phải làm như thế nào để bắt đầu chuyển đổi số? Theo ông Lui Seih, đây thực sự là câu hỏi khó nhưng không phải là không có trả lời.
"Bước bắt đầu bao giờ cũng khó. Trước hết, DN phải có khát khao mãnh liệt để bắt đầu. Sau khi có khát khao rồi, làm sao để có bước đi đầu tiên chuẩn bị cho bản thân, giống như một hành trình cho chuyến đi xa chúng ta phải chuẩn bị quần áo, đồ đạc, lịch trình. Chuyển đổi số cũng như vậy. Phải có những bước đầu tiên chuẩn bị từ những thứ nhỏ nhất để bắt đầu", chuyên gia chia sẻ.
Bên lề hội thảo, ông Lui Seih đã chia sẻ với phóng viên các bước DN Việt Nam cần chuẩn bị để chuyển đổi số thành công. Theo chuyên gia này, thực ra để chuyển đổi số có 7 bước. Tuy nhiên, ông muốn tập trung vào 4 bước quan trọng nhất:
Bước 1 định nghĩa bản thân DN là gì. Theo đó, DN phải xác định mục tiêu, chiến lược, slogan của mình là gì. Không thể chuyển đổi số bằng việc áp dụng mô hình chuyển đổi số của 1 DN khác, mà phải xác định cái gì đó là của riêng mình.
Bước thứ hai là chuẩn bị về nhân lực. Tất cả mọi thứ đều xoay quanh vấn đề con người. Con người ở đây đối với DN không chỉ là nhân viên, cán bộ trong công ty mà còn là khách hàng. Chúng ta phải chuẩn bị cho họ để họ thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Chúng ta có thể cho họ tham gia các buổi tập huấn, đào tạo để thay đổi suy nghĩ của họ.
Bước ba là thay đổi về người lãnh đạo. Hầu hết trong chúng ta đều là những người đi sau. Giống như chiếc máy bay hay ô tô cần có người lái, thay đổi tư duy của lãnh đạo sẽ kéo theo thay đổi toàn bộ DN.
Bước 4 là đánh giá rủi ro. Bất kỳ làm việc gì cũng có những rủi ro. Thành công là điều tốt, nhưng chúng ta cũng có thể thất bại, học hỏi được kinh nghiệm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chưa chuẩn bị cho phần nếu mình thất bại ra sao và sẽ đón nhận những tác động tiêu cực, chưa tốt như thế nào. Đây là mảng các DN Việt Nam cần chú ý nhiều hơn.
Với các DNNVV, chuyên gia cho rằng cũng phải tiến hành các bước tương tự. Thứ nhất phải xác định xem sứ mệnh của DN là gì, tầm nhìn ở đâu, khách hàng cần gì. Sau khi đánh giá tất cả những nguồn lực DN đang có, mục tiêu hướng tới, DN phải đưa ra các phương án khác nhau, lựa chọn phương án nào phù hợp nhất với DN mình để tiến hành chuyển đổi số. Sau khi tiến hành các bước, chúng ta phải ngồi lại với nhau đánh giá xem việc làm đó đã hiệu quả hay chưa, cần thay đổi những gì và những bước tiếp theo cần làm là gì...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm