Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp vẫn ‘kêu trời’ vì quy chuẩn, quy định

Nhiều quy định, quy chuẩn kiểm tra đặt ra đang khiến các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí nhưng lại không gia tăng chất lượng sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới: Mỹ, Trung Quốc áp đảo / Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về khởi nghiệp

Báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016: Góc nhìn từ doanh nghiệp” của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết vẫn còn tới 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép con, nếu nhân với con số hơn 714.000 hiện nay thì có đến gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.

Trong khi một số bộ, ngành đưa ra dự thảo cắt giảm hoặc đang trong quá trình rà soát, nhiều bộ ngành khác có vẻ như không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018. Trong những bộ tiếp tục rà soát, mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước.

TS. Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, Tổng giám đốc CTCP Thuốc thú y trung ương 5 (Fivevet) cho hay, thực tế có nhiều văn bản mà nếu như thực hiện đúng sẽ gây nhiều khó khăn và lãng phí cho doanh nghiệp.

Nhiều văn bản quy định đang nhiều khó khăn và lãng phí cho doanh nghiệp.
Nhiều văn bản quy định đang nhiều khó khăn và lãng phí cho doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm, lo lắng là quy định các sản phẩm thuốc thú y đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành phải làm thêm thủ tục công bố hợp quy.

Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa hoc và Công nghệ, Thông tư 18/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhưng thuốc thú y là sản phẩm sản xuất có điều kiện đặc thù, phải có nhà máy, phòng kiểm nghiệm, kho bảo quản đạt các tiêu chuẩn quốc tế, bởi vậy, việc quy định thủ tục công bố hợp quy sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và đặc biệt đây lại là việc làm trùng lặp với quá trình đăng ký sản phẩm.

Hơn nữa, Thông tư 28 quy định hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy là 3 năm cùng với tần suất đánh giá giám sát ít nhất 12 tháng 1 lần, trong khi hiệu lực giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm là 5 năm, điều đó có nghĩa là trong khi sản phẩm còn thời hạn lưu hành thì doanh nghiệp phải thực hiện lại một lần nữa thủ tục công bố hợp quy.

Doanh nghiệp vẫn ‘kêu trời’ vì quy chuẩn, quy định
TS. Nguyễn Thị Hương

Chia sẻ với TheLEADER, bà Hương cho rằng, việc tuân thủ này khiến doanh nghiệp tiêu tốn chi phí nhưng không góp phần vào việc tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Một doanh nghiệp ở mức trung bình có khoảng 150 sản phẩm là thuốc và 20 sản phẩm là vắc-xin thì chi phí không dưới 5 tỷ đồng. Cả ngành sản xuất kinh doanh thuốc thú y gần 200 doanh nghiệp với gần 9.000 loại thuốc, gần 200 loại vắc-xin sản xuất trong nước, có gần 4.000 loại thuốc, gần 500 loại vắc-xin nhập khẩu thì chi phí mỗi lần làm hồ sơ công bố hợp quy sẽ rất lớn, chưa nói đến tần suất đánh giá là 12 tháng/lần.

“Chi phí bỏ ra như vậy nhưng không góp phần vào việc tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm mà chỉ làm tăng chi phí sản xuất, làm cho giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, đối với những doanh nghiệp xuất khẩu làm giảm khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”, bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các bộ, ngành dường như có sự nể nang nhau nhiều, kéo theo khi doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi lại không đạt được kết quả sửa đổi 100%.

“Có thể ngành chúng tôi không phải để ưu tiên nhưng những vấn đề mang tính nổi cộm chúng tôi đề nghị đầu năm, cuối năm vẫn còn nguyên”, ông Nam cho biết.

Lấy ví dụ về chỉ tiêu xả thải của Bộ Tài nguyên Môi trường, vị này cho biết, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành này khi áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản.

 

Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt pho và nitơ bởi quy chuẩn QCVN 11:2015 ở mức thấp so với khả năng của thực tế. Ngay các nhà máy đầu tư công nghệ mới và hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng rất khó đạt.

Mặc dù đã kiến nghị, được hứa xem xét và ban hành quy chuẩn thay thế, quy chuẩn trên đến nay vẫn còn tồn tại.

Sự chậm trễ này tiếp tục đặt doanh nghiệp chế biến thủy sản vào thế khó trong việc cạnh tranh với các đối thủ để tiếp cận thị trường xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đang cận kề thời điểm thực thi.

Theo đánh giá của VCCI, hiện nay vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Tuy nhiên, về mặt lập pháp thì việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh khó có thể tiếp tục được thực hiện ở cấp nghị định, mà phải ở cấp luật. Các đạo luật cần được điều chỉnh bao gồm cả phụ lục 4 của Luật Đầu tư và các đạo luật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Trong một số đạo luật mới ban hành gần đây có hiện tượng các điều kiện đầu tư kinh doanh được đưa vào tương đối chung chung rồi giao Chính phủ quy định chi tiết ở cấp Nghị định. Cơ chế xây dựng quy định này khiến cho việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

 

Các điều kiện đầu tư kinh doanh trong luật thường rất chung chung như điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Luật Chăn nuôi, điều kiện sản xuất phân bón trong Luật Trồng trọt, hay điều kiện cơ sở đóng tàu cá trong Luật Thuỷ sản. Các quy định chung chung này không thể được áp dụng trực tiếp mà cần có hướng dẫn một cách định lượng, rõ ràng.

Đến khi xây dựng Nghị định, các phương án cụ thể hoá rất khác nhau. Ví dụ, Nghị định 26/2019/NĐCP4 thì liệt kê từng cái kìm, cờ lê, mỏ lết… là điều kiện một cơ sở đóng tàu cá phải có.

Cách làm này rất bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu. Nếu cơ quan nhà nước không áp dụng biện pháp liệt kê mà lại quy định định tính thì có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch của quy định. Tuy nhiên, do các điều kiện này đã có trong Luật nên cấp Nghị định không thể bãi bỏ được.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm