Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng Tháp: Mở rộng thị trường cho sản phẩm rau quả trên kênh thương mại điện tử

DNVN - Ngày 11/10, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở ngành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chuỗi ngành hàng rau quả chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Đồng Tháp: Doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình “4 tại chỗ” / Đồng Tháp: Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1%

Nhằm khắc phục những điểm nghẽn, cải thiện và thúc đẩy sự phát triển của chuỗi ngành hàng rau quả chủ lực tại Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Công Thương tham mưu xây dựng đề án tổng thể phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng rau quả chủ lực của tỉnh qua các giai đoạn, tập trung các nguồn lực, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các đơn vị liên quan quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm rau quả của tỉnh với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các kênh phân phối hiện đại, các nhà vựa, các trang thương mại điện tử, tham gia các hội chợ, hội nghị triển lãm trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.


Đồng Tháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong chuỗi ngành hàng rau quả.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các bên tham gia, nhất là giữa doanh nghiệp chế biến với người nông dân và hợp tác xã.

Tiếp tục phát triển các mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác/hội quán sản xuất với các nông dân trồng rau quả, trong đó đặc biệt chú trọng công tác nâng cao năng lực quản trị nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, chủ động trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và ký hợp đồng xuất khẩu.

Có biện pháp hỗ trợ nông dân về sản xuất theo hướng an toàn liên kết chuỗi với các doanh nghiệp, nhà phân phối từ giống, nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ. Hướng dẫn sản xuất nông sản đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), chứng nhận hữu cơ mang lại hiệu quả. Từng bước kích thích nông dân gia tăng diện tích thực hành sản xuất nông sản an toàn phục vụ chế biến rau quả, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Giao thông vận tải triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, tạo thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông sản.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh công tác kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản sau thu hoạch, nhà máy công nghệ chế biến trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm rau quả chủ lực của Tỉnh ở thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là những thị trường giàu tiềm năng.

Tính Lập
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm