Hỗ trợ doanh nghiệp

Mở cửa du lịch nên đi từng bước cẩn trọng, không vội vàng

DNVN - Thí điểm “hộ chiếu vaccine” ở Phú Quốc, hướng đi nào cho ngành du lịch hậu COVID-19 đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người. DNVN đã phỏng vấn ông Vũ Văn Tuyên - CEO & Founder Công ty Du lịch Travelogy, chuyên gia huấn luyện ngành du lịch, cố vấn chiến lược ngành Quản trị du lịch và Lữ hành CEO, Học viện Travelogy Coaching.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc / Tái khởi động nền kinh tế, mô hình sản xuất nào cho doanh nghiệp?

Thưa ông, thời gian qua ngành du lịch được xem là một trong những ngành chịu nhiều tổn thương nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19. Để hồi phục ngành du lịch, chúng ta cần những bước đi vững chắc và cẩn trọng. Vậy theo ông, chuẩn bị cho chiến lược kích cầu lần này chúng ta có vội vàng quá không?

Ông Vũ Văn Tuyên: Một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore vẫn tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế đi lại quốc tế, đồng thời yêu cầu khách nhập cảnh phải xét nghiệm và cách ly. Châu Âu, các nhà chức trách nhanh chóng cho phép người dân tự do đi lại giữa các quốc gia vì nóng lòng hồi sinh ngành du lịch, nhưng chính sự nóng vội đã khiến dịch bệnh COVID-19 dịch bùng phát mạnh hơn trước.

Ông Vũ Tuyên: Ngành du lịch cần có những bước đi cẩn trọng, không nên vội vàng..."

Ông Vũ Tuyên: "Ngành du lịch cần có những bước đi cẩn trọng, không nên vội vàng..."

Việt Nam hiện đã nối lại các đường bay thương mại quốc tế, tuy nhiên việc có nên mở cửa đón du khách nước ngoài hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tôi cho rằng, nên theo cách kiểm soát thận trọng trong việc mở cửa trở lại. Nếu mở cửa, cần phải lựa chọn các nước kiểm soát được dịch. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu mô hình của Singapore. Tuy nhiên, vẫn nên mở cửa từng bước vì nếu dịch lan rộng, thiệt hại về kinh tế lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận đạt được khi đón khách quốc tế.

Mỗi quốc gia đều có những nét riêng biệt, Việt Nam khác Singapore về vị trí địa lí. Singapore có diện tích hẹp và dân số ít hơn Việt Nam nhiều. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài đến 4.550 km. Vì vậy, nếu mở cửa đón khách quốc tế ngay bây giờ, nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao. Theo tôi, chúng ta nên thận trọng mọi việc, không vội vàng.

Thưa ông, việc thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” tại Phú Quốc được xem là tín hiệu tích cực giúp du lịch Việt Nam có điều kiện phục hồi trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cần thử nghiệm mô hình này ở thị trường nội địa để hoàn thiện quy trình, rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù hợp trước khi đón khách quốc tế. Với một người có thâm niên trong ngành du lịch ông thấy quyết định này có đúng thời điểm không?

Ông Vũ Văn Tuyên:Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây là một nỗ lực nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khôi phục lại các hoạt động của ngành du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời, quảng bá hình ảnh Việt Nam - điểm đến an toàn và hấp dẫn, khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Việt Nam.

 

Phú Quốc luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.(Hình ảnh trước dịch)

Phú Quốc luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.(Hình ảnh trước dịch)

Tôi được biết, việc thí điểm đón khách quốc tế đặt ra yêu cầu cao nhất là đảm bảo an toàn, ứng dụng tích hợp hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng những quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế. Một điểm quan trọng nữa là hệ thống được xây dựng trên cơ sở phối hợp liên ngành giữa du lịch, y tế, thông tin truyền thông, ngoại giao, xuất nhập cảnh… Qua đó, sẽ góp phần sàng lọc, bảo đảm an toàn dịch tễ khi đón khách vào Việt Nam. Khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 được coi là công cụ quan trọng hàng đầu góp phần bảo đảm phòng chống dịch bệnh, du lịch an toàn.

Kế hoạch đặt ra yêu cầu phải đảm bảo an toàn, thuận lợi cho khách du lịch, người lao động, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Trong giai đoạn thí điểm, đối tượng khách hướng đến thu hút là khách du lịch nghỉ dưỡng biển, khách chơi golf, khách du lịch đến từ các thị trường tiềm năng và đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trước mắt, chỉ áp dụng đối với khách đi du lịch thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác. Các đơn vị được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí chung về phương án tổ chức đón và quản lý đoàn khách, đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

Bên cạnh đó, Phú Quốc là đảo không có người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, với lượng vaccine được phân bổ hạn chế, đến nay mới chỉ 35% dân số từ 18 tuổi trở lên ở Phú Quốc được tiêm chủng mũi 1. Để bảo đảm du lịch an toàn cần tuân thủ nguyên tắc 5K + vaccinne + Công nghệ. Tạo sự yên tâm cho du khách khi du lịch ở đây, nên bố trí gói vacccine riêng cho Phú Quốc để tiêm phòng cho người dân trên đảo. Với những việc làm cụ thể, tôi tin rằng đại dịch sớm kết thúc và nghành du lịch sẽ sớm phục hồi.

 

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, thị trường khách quốc tế không phải là phương thuốc hữu hiệu để giúp ngành du lịch thoát khỏi khó khăn, mà du lịch nội địa mới là “phương thuốc” đặc trị để đưa ngành du lịch thoát khỏi sự khó khăn do COVID- 19 gây nên?

Ông Vũ Văn Tuyên:Thị trường trong nước và khách du lịch trong nước chính là những đối tác rất quan trọng ở khía cạnh số lượng. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, tất nhiên không phải 100 triệu người dân này đều đi du lịch. Thế nhưng, con số đáng kể của người Việt du lịch trong nước hơn một lần một năm rất nhiều. Đây chính ra lợi thế của ngành du lịch trong thời điểm hậu dịch COVID-19. Hiện tại, khách trong nước mong muốn được khám phá và trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới. Từ sở thích của khách nội địa, chúng ta có thể nhận diện ra được thị hiếu của khách du lịch quốc tế sau khi thị trường du lịch đã khôi phục trở lại.

Theo tôi, ngoài phát triển sản phẩm mới, Việt Nam cũng cần cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu. Doanh nghiệp cũng có thể tìm cách bán sản phẩm theo gói để có cơ hội bán chéo và bán thêm. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp và khả năng thu được mức giá cao hơn. Ví dụ, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể bán gói cho gia đình kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống… Các công ty du lịch và khách sạn có thể phối hợp với nhau để cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe limousine hoặc xe bus, đến phòng nghỉ. Ngoài ra, cũng có thể khai thác những nhu cầu du lịch đắt tiền đang bùng nổ như du thuyền hay “farm stay”.

Một số chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, bên cạnh những thách thức do đại dịch COVID-19, thì đây chính ra cơ hội để cho ngành du lịch cùng nhìn lại mình và xây dựng một chiến lược du lịch mang tính thực tế hơn và bền vững hơn, đồng thời tạo ra một thương hiệu quốc gia “An toàn-Xanh-Sạch” thu hút khách khi dịch bệnh đã được kiểm soát trên toàn thế giới?

Ông Vũ Văn Tuyên:Trong bối cảnh mà đại dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành như hiện nay thì đây chính là thời cơ để phát triển du lịch bền vững. Tôi lấy ví dụ như điểm du lịch Boracay, Philippines. Trước thời điểm đại dịch, chính quyền Philippines đã rất khó khăn khi đối mặt với những vấn đề tồn đọng tại khu vực này, đó là ô nhiễm, rác thải nhựa do lượng khách du lịch đến khu vực này rất đông. Nhưng sau khi đại dịch diễn ra, dù phải chịu cảnh không có khách du lịch quốc tế, không có những chuyến bay thương mại quốc tế, nhưng đó cũng là lúc mà ban quản lý khu du lịch này có cơ hội để cùng xem xét và nhìn nhận lại những kế hoạch quản lý du lịch cũng như kế hoạch đầu tư, ngân sách đầu tư cho du lịch, chính sách để ưu tiên phát triển du lịch, để có thể đặt mình vào vị trí sẵn sàng hơn và cho ra những sản phẩm du lịch tốt hơn sau khi đại dịch lắng xuống. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam chúng ta cần học hỏi.

 

Tôi được biết, UNESCO coi trọng tâm ưu tiên chính của phát triển du lịch bền vững, đó là quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam. Chúng ta coi phát triển du lịch bền vững, chính là đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng địa phương, gìn giữ phát triển văn hóa địa phương, làm sao mang lại những lợi ích, những tác động cho người dân địa phương. Đó cũng chính là quan điểm của UNESCO về phát triển du lịch bền vững.

Hội An được Unesco hỗ trợ và phát triển du lịch bền vững.

Hội An được UNESCO hỗ trợ và phát triển du lịch bền vững.

Thưa ông, khi dịch bệnh lắng xuống người dân không cònbị phong tỏa nữa thì họ sẽ bắt đầu nghĩ đến việc được hưởng thụ các dịch vụ, các điểm du lịch an toàn, sạch đẹp. Và họ sẽ tìm đến những nơi Việt Nam để được trải nghiệm không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, những sản phẩm du lịch như rừng, núi, bờ biển một cách an toàn. Vì vậy tạo thương hiệu về điểm đến “An toàn-Xanh-Sạch” phải chăng là việc làm cấp thiết của ngành du lịch?

Ông Vũ Văn Tuyên:Theo tôi trong tương lai, chúng ta có thể đặt mình ở vị thế là điểm đến an toàn, xanh và sạch. Việt Nam có lợi thế về mặt tự nhiên để phát triển du lịch, khi mở cửa trở lại, tôi nghĩ Việt Nam có thể đầu tư nhiều hơn để cải thiện được chất lượng của du lịch. Ngoài ra, chúng ta cần đầu tư về quản lý rác thải, chất thải rắn hay cho sự an toàn nói chung của du khách, đầu tư vào kỹ năng của nhân viên làm dịch vụ du lịch. Về cải thiện môi trường, cải thiện nước thải, chất thải để chúng ta quản lý, xử lý chất thải một cách tốt hơn chứ không đổ chất thải trực tiếp ra môi trường… và còn rất nhiều điều đáng bàn nữa để có một nền du lịch bền vững trong tương lai.

 

Trân trọng cám ơn ông!

Thanh Loan (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm