Hiệp định CPTPP

Quy tắc xuất xứ hàng hóa - điểm mấu chốt để doanh nghiệp Việt hưởng lợi từ CPTPP

(DNVN) - Bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay Thách thức" diễn ra vào sáng 18/01 tại Hà Nội.

Canada sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hội nhập CPTPP / Ngày 14/1 Hiệp định CPTPP có hiệu lực ở Việt Nam: Bộ Công thương có quá "chậm chân"?

200 chuyên gia, diễn giả có mặt tại hội thảo để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về tác động của CPTPP đến Việt Nam.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công thương chia sẻ: CPTTP giúp củng cố, nâng cao vai trò của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế.
Hiệp định tạo động lực thúc đẩy mở cửa, phát triển mở cửa thị trường. Với vai trò là nước tham gia xây dựng hiệp định CPTTP, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các DN khác với hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Dù không còn Mỹ, CPTTP vẫn chiếm quy mô thị trường khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
CPTTP mang đến nhiều lợi thế song cũng không ít thách thức đặt ra cho cộng đồng DN. Theo đó, Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật.
Bà Mai bày tỏ mong muốn Bộ công thương sẽ là đầu mối để kết nối các bộ ngành khác cùng thực hiện, tránh những ảnh hưởng với doanh nghiệp. Bà cũng mong muốn các DN chủ động tìm kiếm thông tin, vấn đề nào thắc mắc có thể trao đổi qua cổng thông tin điện tử, các kênh hiệp hội.
CPTPP có bộ nguyên tắc xuất xứ chặt nhưng linh hoạt
Trình bày tham luận dài 30 phút liên quan tới quy tắc xuất xứ tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy khẳng định: Những đàm phán về thuế liên quan chặt chẽ đến cam kết quy tắc xuất xứ. Vai trò của đàm phán thuế quan và đàm phán Quy tắc xuất xứ có vai trò quan trọng như nhau như hai chân song hành.
Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi. Vì vậy, các DN cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa.
Bà Bùi Kim Thùy

Bà Bùi Kim Thùy

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quy tắc xuất xứ, bà Thùy cho rằng, quy tắc này sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại.
Theo bà Thùy, cần đo mức độ tận dụng ưu đãi FTA với các thành viên. Khi nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đến quốc gia nào đó, nhà làm chính sách cần xác định có bao nhiêu % trong đó được hưởng thuế quan.
"Cụ thể, với kim ngạch xuất khẩu hơn 35 tỷ USD vào Mỹ năm ngoái, chúng ta cần đo được trong số đó, Việt Nam được giảm thuế quan như thế nào. Theo bà Thùy, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia cũng chỉ được giảm thuế quan rất ít".
Nhắc tới quy tắc xuất xứ lỏng/linh hoạt và quy tắc xuất xử chặt của CPTPP, bà cho biết, CPTPP có bộ nguyên tắc xuất xứ chặt nhưng linh hoạt. Xuất xứ thuần túy được hiểu trong các FTA cũ là 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Đây là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế.
Về yếu tố cộng gộp trong CPTPP, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP (dù chỉ 1%). Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.
"Đây là yếu tố linh hoạt đặc biệt tốt cho chuỗi cung ứng, đối với các ngành sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có đủ nguồn lực như các doanh nghiệp lớn," bà Thùy nhấn mạnh.
Góc nhìn doanh nghiệp
Chia sẻ về năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam phát biểu: Các nước chuyên về chăn nuôi họ có nhiều điểm mạnh lớn về thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng. Đặc biệt, với những nước như New Zealand , Mexico, chúng ta có thể phải chịu đựng nhiều rủi ro khi cạnh tranh.
"Đơn cử, ở Đan Mạch, họ có 3 tỷ USD xuất khẩu heo, chiếm 90% sản lượng thịt họ sản xuất, họ chỉ tiêu thụ 10%. Ở việt nam khoảng 15% ngành chăn nuôi, và có thói quen ăn thịt tươi mới giết mổ".
Cho rằng năng lực sản xuất và tiêu thụ chúng ta có, nhưng năng lực cạnh tranh chưa đủ lớn, ông Trí cho biết, ngành chăn nuôi có thể sẽ ổn trong thời gian ngắn, nhưng "về lâu về dài" sẽ có nguy cơ cạnh tranh cao khi người dân quen dần với đồ ăn lạnh. Đặc biệt, khi những thành viên khác có thế mạnh chăn nuôi có thể sắp tới sẽ gia nhập CPTPP.
Hệ thống chuồng trại, công nghệ nuôi tối ưu, hay công nghệ kiểm soát môi trường bên trong là những khó khăn chính của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Cao Trí.

Ông Nguyễn Cao Trí.

Đại diện NS BlueScope Lysaght Việt Nam nhấn mạnh, cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tạo ra vùng trọng điểm trong chăn nuôi như mô hình của các nước tiên tiến. Để làm điều này cần có sự đồng hành của DN, Chính phủ để tăng sức cạnh tranh, đón đầu lợi thế của CPTTP.
Trong bài tham luận "Những cơ hội và thách thức của ngành dệt may Việt Nam", ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp may Việt Nam khẳng định: Dệt may Việt Nam hiện nay là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về sử dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành nằm trong top 3 trong số các nước xuất khẩu dệt may thế giới, sau Trung Quốc, Ấn độ. Kim ngạch nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt 21,8 tỷ USD.
Trong gần 30 năm nay, dệt may Việt Nam đã phát triển từ con số 0, từ xuất khẩu đạt 52 triệu USD trong năm 1990 đến 36,1 tỷ USD trong năm 2018.

Ông Trương Văn Cẩm.

Ông Trương Văn Cẩm.

 

Ngành dệt may thu hút 17,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhất là khi các hiệp định thương mại tư do đưa vào đàm phán và chuyển bị kết thúc, làn sóng đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh. Trong giai đoạn 2013-2018, nguồn vốn đầu từ vào ngành dệt may chiếm 9,2 tỷ USD. Đây sẽ là lợi thế giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Về lợi thế, ông Cẩm cho biết: Chi phí nhân công ở Việt Nam tương đối rẻ hơn so với một số nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines...; Việt Nam đã ký kết nhiều hợp đồng thương mại với thuế suất cho dệt may giảm dần về 0%, đặc biệt các FTAs mới có và sắp có hiệu lực; với chính sách ổn định, thông thoáng Việt Nam đã thu hút các DN FDI đầu tư vào dệt may tính đến nay khoảng 17,5 tỷ USD.
Chia sẻ về những khó khăn trong ngành dệt may, ông Cẩm cho biết từ năm 2015-2017, Việt Nam vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải...Về may, Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. Về trình độ lao động, 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.
Để tận dụng lợi thế của CPTPP, ông Cẩm cho rằng, các DN phải hiểu về CPTTP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTTP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường.
Ngoài ra, các DN mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết DN, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài. Nhà nước cần có chính sách phát triển trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này. Cụ thể, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để đồng hành và tạo điều kiện cho các DN làm ăn và phát triển.
Hội thảo "CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay Thách thức" do Bộ Công thương, báo VnExpress, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp tổ chức, có sự đồng hành của thương hiệu Tôn Colorbond từ BlueScope.
Đây là Hội thảo đầu tiên về CPTPP kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Hội thảo mang đến nhiều thông tin hữu ích về CPTTP, từ đó giúp các DN có sự chuẩn bị mang tính chiến lược để đón nhận nhiều lợi ích và giảm thiểu thách thức. Đây cũng là kênh kết nối các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia với DN Việt Nam, từ đó có những cải cách phù hợp, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bài, ảnh: Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm