Made in Vietnam

Tăng tính cạnh tranh của hàng Việt: Những lời khuyên hữu ích cho DNNVV

DNVN - Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt cũng như phát triển hệ thống phân phối tại các vùng miền, DNNVV cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã sản phẩm để người tiêu dùng biết và hiểu về sản phẩm của doanh nghiệp...

Tìm giải pháp phát triển bền vững Trà và Tơ lụa Bảo Lộc / Gia Lai: Trao chứng nhận đầu tư nhiều dự án lớn

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) đã dần trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt một cách mạnh mẽ. Tuy vậy, việc triển khai Cuộc vận động có ý nghĩa này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như bản thân cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Để có cái nhìn tổng quan về Cuộc vận động cũng như tìm kiếm lời khuyên dành cho cộng đồng DNNVV trong việc tăng tính cạnh tranh của hàng Việt cũng như phát triển hệ thống phân phối tại các vùng miền, phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương.
Bà đánh giá như thế nào về kết quả đạt được sau 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?
Bà Lê Việt Nga: Kể từ khi được Bộ Chính trị phát động thực hiện vào năm 2009, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả nhất định, tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những bước chuyển biến tích cực.
Trong 10 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể, được cụ thể hóa theo từng năm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động thông qua việc ban hành và thực hiện Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:
Góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu nhanh chóng và phát triển ngành Công Thương. Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam; hệ thống bán lẻ hàng Việt hiện đại mở rộng nhanh chóng.
Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao (trên 80%). Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (hơn 20.000 điểm trên toàn quốc) có tỷ lệ hàng sản xuất trong nước gần 90%. Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam nhanh.
Giúp đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài thông qua triển khai có hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (được phê duyệt tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ). Thông qua đó đã góp phần tăng giá trị xuất khẩu hàng Việt của một số doanh nghiệp phân phối ra nước ngoài.
Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm,…).
Về công tác truyền thông: lượng tin bài về Cuộc vận động tăng nhanh (các đơn vị thông tin truyền thông trực thuộc Bộ Công Thương đã đăng tải được hơn 13.000 tin, bài hưởng ứng Cuộc vận động); hàng nghìn hợp đồng được ký kết; với hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững được mở tại 60 tỉnh, thành.
Người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Thực tế, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bà có chia sẻ gì về những hạn chế này?
Bà Lê Việt Nga: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Một số hàng Việt Nam còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi,.. Một số doanh nghiệp Việt còn gian lận thương mại, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt.
Lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của Quản lý thị trường, kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương.
Hạ tầng thương mại chưa phát triển, đặc biệt là các chợ chưa hỗ trợ được phát triển, phân phối hàng Việt Nam, chưa thực sự là đầu ra cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Quá trình truyền thông cho Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin chưa có sự đồng nhịp để tạo thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả vì vậy chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu.
Kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất kinh doanh còn chưa thường xuyên, liên tục nhất là kết nối hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, tại khu vực nông thông và hệ thống phân phối hiện đại còn khó khăn.
Tỷ lệ hàng Việt Nam trong chợ truyền thống còn thấp (khoảng 60%) so với hệ thống bán lẻ hiện đại (trên 80%).
Để tiếp tục phát triển và nâng cao tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, Vụ Thị trường trong nước có chiến lược gì áp dụng trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã triển khai được 10 năm và đã có một số kết quả nhất định như tôi đã trao đổi ở trên, về phía Bộ Công Thương, nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các Chương trình, đề án đang được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ triển khai Cuộc vận động như:
Các chương trình triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu với các nhà phân phối...
Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo (được phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg năm 2015).
Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước (được phê duyệt tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia) trong đó có các chương trình hỗ trợ như đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội thảo kết nối, triển lãm…
Các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài: Thông qua Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015, Bộ Công Thương đã tổ chức để hỗ trợ hàng Việt Nam có chất lượng tham gia vào hệ thống phân phối tại nước ngoài.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020: Theo Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP- thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020.

Sau 10 năm triển khai, Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công: trong đó có hỗ trợ bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm cho nhà sản xuất; Các hoạt động phát triển thương mại điện tử thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020; Các công tác tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.
Ngoài ra, vừa qua Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã hợp tác, ký kết biên bản ghi nhớ với một số nhà phân phối lớn, trong đó yêu cầu tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh phân phối này. Đặc biệt với nhóm hàng nông sản an toàn, trong năm 2019, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác kết hợp tác số 28062019/TT/MOIT-CG với Tập đoàn Central Group Việt Nam (Big C) với mục tiêu thực hiện các chương trình thu mua nông sản an toàn trực tiếp chiết khẩu 0% từ các hộ nông dân, hợp tác xã…hỗ trợ các đối tượng phù hợp. Trong vòng 1 năm qua chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã đồng hành cùng 139 hợp tác xã, tiêu thụ 20.000 tấn nông sản và tạo công ăn việc làm cho hơn 6.000 hộ nông dân.Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc, vận động các nhà phân phối khác nhằm giữ ổn định đầu ra cho hàng Việt Nam.

Thưa bà, Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường trong nước, có kế hoạch phối hợp như thế nào với TƯ MTTQ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong việc triển khai Cuộc vận động?
Bà Lê Việt Nga: Thực hiện Thông báo số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương là thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và Vụ Thị trường trong nước với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, hàng năm Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Công đoàn ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty và đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức triển khai những nhiệm vụ sau: (i) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; (ii) Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; (iv) Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường
Từ năm 2010 đến nay, định kỳ hàng năm, Bộ Công Thương có báo cáo kết quả sơ kết, đánh giá 3 năm, 5 năm tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gửi Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và được Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động đánh giá cao kết quả thực hiện của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đã tham gia đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Cuộc vận động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm tra tình hình thực hiện Cuộc vận động tại các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và phối hợp biên soạn tài liệu tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động.
Hàng năm, Bộ Công Thương đã tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động để tham mưu, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Cuộc vận động, phương hướng nhiệm vụ Cuộc vận động các năm; tham gia dự thảo Kế hoạch triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động hàng năm.
Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, theo đó, Đề án tập trung triển khai 3 giải pháp: hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Bộ Công Thương với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện 3 giải pháp trên, trong đó lồng ghép với tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam uy tín (ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa) thông qua các hoạt động thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, hỗ trợ tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ năng bán hàng cho doanh nghiệp…
Thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 10050/BCT-TTTN ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Bộ Công Thương, trong đó tổ chức các chương trình như: Các hội chợ xúc tiến thương mại, khuyến công trong nước; Các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi; Các hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện giao dịch thương mại; Các mô hình điểm bán hàng Việt Nam; Các mô hình tiêu dùng bền vững, mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn; Các chương trình truyền thông, tôn vinh hàng hóa sản xuất trong nước, hàng thực phẩm an toàn; các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng Việt, kỹ năng đưa hàng vào hệ thống phân phối trong nước, kiến thức an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm; Các hoạt động khác về hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường trong nước..
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các kế hoạch chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020.
Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt cũng như phát triển hệ thống phân phối tại các vùng miền, bà có lời khuyên nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV?
Bà Lê Việt Nga: Theo tôi, để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt cũng như phát triển hệ thống phân phối tại các vùng miền, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần: Chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã sản phẩm để người tiêu dùng biết và hiểu về sản phẩm của doanh nghiệp.
Nâng cao trình độ và năng lực tổ chức quản lý của doanh nghiệp (áp dụng phù hợp phương pháp quản lý hiện đại; trình độ chuyên môn cũng như những kiến thức của đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp; trình độ tổ chức quản lý doanh nghiệp).
Tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác và hội nhập kinh tế quốc tế. Khả năng liên kết và hợp tác của doanh nghiệp thể hiện ở việc nhận biết các cơ hội kinh doanh mới, chọn đúng đối tác để liên minh và vận hành hoạt động của liên minh một cách hiệu quả, đạt được mục tiêu đặt ra.
Nâng cao năng lực marketing của doanh nghiệp thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến thương mại,…nhằm giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm của doanh nghiệp, tác động tới khả năng tiêu thụ sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu khách hàng, từ đó góp phần làm tăng doanh thu, tăng thị phần của doanh nghiệp và tăng vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.
Cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu; Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm,… Đồng thời làm tốt việc phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm và chăm sóc khách hàng…
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động, tích cực phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tham gia vào các chương trình, đề án, dự án do Bộ Công Thương chủ trì có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa) để tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước như hướng dẫn tại Công văn số 10050/BCT-TTTN ngày 11 tháng 12 năm 2018.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguyệt Minh thực hiện
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm