Hỗ trợ doanh nghiệp

Thoát khó bằng ‘chuỗi liên kết chuỗi’

Khi các doanh nghiệp (DN) ở ngành dịch vụ ăn uống (F&B) gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 kéo dài, thì việc gỡ khó bằng “chuỗi liên kết chuỗi” và  liên kết giữa các DN với nhau là rất cần thiết trong lúc này.

THACO xuất khẩu xe du lịch Kia Soluto sang thị trường Myanmar / Doanh nghiệp dệt may chật vật xoay sở trong đại dịch

Đơn cử như mới đây chuỗi cà phê Ông Bầu, được xem như “chú ngựa ô” trong ngành F&B, đã khai trương 6 điểm bán mới là những mặt bằng có sẵn của chuỗi nhà hàng Ba Gác trên những con đường sầm uất, tấp nập ở các quận, huyện trong Tp.HCM như: Quận 3, Phú Nhuận, quận 10, Tân Bình và huyện Hóc Môn.

Bắt tay làm theo chuỗi

Sự hợp tác theo mô hình “chuỗi liên kết chuỗi” này được đánh giá mang lại hiệu quả cao cho cả hai chuỗi cà phê và nhà hàng, đặc biệt trong giai đoạn ngành F&B đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19.

HINH-8022-1598433556.jpg

Mô hình “chuỗi liên kết chuỗi” được kỳ vọng giúp DN F&B vượt khó giữa đại dịch Covid-19

Theo đó, việc kết hợp sẽ giúp hai bên nhanh chóng mở rộng mạng lưới (mục tiêu của chuỗi cà phê là có 10.000 điểm bán vào cuối năm 2022), mở rộng khách hàng (nhắm vào đông đảo giới trẻ và nhân viên văn phòng) và góp phần thúc đẩy doanh số.

Nhờ vào sự chủ động liên kết chuỗi nên tuy chỉ mới “chào sân” vào cuối tháng 2/2020, tức là trước khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 1 không lâu nhưng chuỗi cà phê Ông Bầu (được sáng lập bởi sự hợp tác của ba chủ DN lớn trong nước là Nutifood, Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Đồng Tâm) đã bứt tốc khá nhanh khi cán mốc 100 điểm bán chỉ trong hơn 4 tháng ra mắt. Số lượng cá nhân, đơn vị đề nghị được hợp tác kinh doanh cùng thương hiệu này lên đến con số hàng nghìn.

Theo giới chuyên gia, các DN trong ngành F&B đang hứng chịu những hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của Covid - 19 thì việc thực hiện “chuỗi liên kết chuỗi” như trên là rất đáng khích lệ nhằm giúp DN vượt khó tốt hơn.

Và việc liên kết này sẽ giúp cho tất cả các thành viên trong chuỗi đều có lợi. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN F&B sụt giảm hoặc mất doanh thu thì việc tích hợp chuỗi cung ứng dọc và ngang là rất quan trọng, giúp tiết kiệm chi phí, cải thiện lợi nhuận, phục hồi hiệu quả và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

Chẳng hạn như các DN Việt có thể kết hợp các thương hiệu trong cùng phân khúc F&B liên kết với nhau tạo thành các E-Voucher (phiếu mua hàng điện tử) hoặc liên kết gọi vốn cộng đồng bằng Coupon (phiếu mua hàng giảm giá) dịch vụ.

 

Như hồi tháng 4 năm nay, do dịch Covid-19 nên nhiều DN F&B gặp khó khăn về dòng tiền để duy trì hệ thống. Khi ấy, một dự án gọi vốn cộng đồng bằng Coupon đã được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam và được cho là liên kết ít nhất 1.000 DN tham gia vào hệ thống chỉ trong vòng 2 tháng.

Thông qua đó, với sự liên kết như vậy, dự án giúp DN gọi vốn từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Người mua tiết kiệm được chi tiêu trong khi người bán vẫn thu về được chi phí cơ bản để vận hành hệ thống. Thông qua đó, DN không còn lo bị gián đoạn hoạt động kinh doanh hay đứt kết nối với khách hàng.

Kỳ vọng hồi phục nhanh

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Bộ phận của một tập đoàn đầu tư vào các giải pháp công nghệ, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều cửa hàng, DN thực sự được người tiêu dùng yêu mến vì chất lượng dịch vụ và họ sẵn sàng giúp đỡ DN duy trì dòng tiền để tồn tại qua giai đoạn này”.

Hoặc có thể kể đến hình thức liên kết xây dựng một hệ thống nền tảng cho phép các DN F&B vừa và nhỏ trong nước gỡ khó giữa đại dịch Covid-19 khi có thể mua các mặt hàng cơ bản trực tiếp từ nhà cung cấp.

 

Như chia sẻ của ông Taku Tanaka, Tổng giám đốc của Kamereo (một nhà phân phối thực phẩm sử dụng công nghệ): Tôi nhận thấy một số thiếu sót tại các chuỗi nhà hàng khi vận hành tại Việt Nam khi họ không có đủ tài sản thế chấp, thì ngân hàng sẽ không cung cấp các khoản vay.

Vì thế, theo ông Taku, các DN sẽ mất nhiều thời gian hơn để mở chuỗi cửa hàng. Do đó, thời gian gần đây, rất nhiều DN tư nhân, đóng vai trò như nhà đầu tư, đã và đang tích cực hỗ trợ các nhà hàng này. Và để hỗ trợ thị trường F&B tại Việt Nam vượt khó giữa Covid-19 thì hy vọng mỗi DN sẽ luôn nắm rõ diễn biến của thị trường và kết nối.

Với quy mô 540.000 cửa hàng ăn uống, 22.000 cửa hàng cà phê, quầy bar và trên 80.000 nhà hàng theo mô hình chuỗi (số liệu về ngành F&B Việt Nam trước khi có đại dịch Covid-19), giới chuyên gia vẫn tin rằng nếu Covid-19 thuyên giảm và dần biến mất, với tiềm lực đã mạnh sẵn thì thị trường F&B Việt Nam sẽ trở lại hồi phụ nhanh.

Nhất là khi những dự báo về triển vọng thị trường F&B ở Việt Nam vẫn còn đó, có thể trong 3 năm tới, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu thì doanh thu của ngành này có thể đạt hơn 400 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng đã và đang cho các DN F&B một bài học đắt giá về kế hoạch dài hạn trong kinh doanh sản xuất và không thể thiếu việc liên kết chuỗi khi mà tốc độ đào thải của ngành F&B rất nhanh.

 

Thực tế, chính việc thực hiện theo mô hình “chuỗi liên kết chuỗi” lại là “động lực đẩy” giúp cho sản phẩm của các DN ra thị trường tới tay người tiêu dùng tốt hơn. Đây cũng là điều kiện cần trong bài toán chuỗi giá trị để các DN F&B vượt khó trong lúc này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm