Thị trường

Doanh nghiệp nội theo nhau tìm vốn ngoại

Bên cạnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp còn tìm cách bán trái phiếu ra nước ngoài để thu hút thêm vốn.


11 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua ròng gần 2.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 35,4% (ở mức 3.097 tỷ đồng). Trị giá giao dịch tại sàn giảm, doanh nghiệp nội xoay sang chào bán cổ phần trực tiếp và thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế.

Điển hình nhất là trường hợp Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) với tuyên bố đột ngột muốn rời sàn, bất chấp tình hình kinh doanh tốt và thị giá tăng gấp đôi trong vòng một năm qua. Phó tổng giám đốc Gò Đàng Nguyễn Tùng Dương cho biết, công ty rời sàn là để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 12, Panga Holdco PTE LTD vừa mua gần 2,8 triệu cổ phiếu AGD và trở thành cổ đông lớn của Gò Đàng.

Trường hợp tiếp theo là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2012, Minh Phú dự kiến chào bán 30 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết, chiến lược công ty không chỉ dừng ở trong nước mà muốn vươn tầm quốc tế, tìm kiếm cơ hội trở thành công đa quốc gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Đồng thời, Minh Phú cũng chủ trương chọn nhà đầu tư để giúp công ty phát triển mạnh trong tương lai, tận dụng hết các cơ hội và tiềm năng của doanh nghiệp.

Ngoài chào bán cổ phiếu, nhiều công ty trong nước còn tích cực tung trái phiếu chuyển đổi doanh nghiệp. Trong đó, hồi tháng 9, để dự trữ cho việc chuyển đổi 40 triệu trái phiếu thành cổ phiếu, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII) đã phong tỏa tỷ lệ sở hữu nước ngoài 15,09%.

Cuối tháng 11, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận đề xuất phong tỏa tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài khoảng 10% vốn điều lệ. Toàn bộ 557.846 trái phiếu chuyển đổi đã được bán cho duy nhất một tổ chức đầu tư nước ngoài, ứng với trị giá 557,85 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 18/12, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á cũng chính thức ký Hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi với Quỹ đầu tư Phát triển Đông Nam Á Nhật Bản (JSEAGF), đối tác chiến lược và là một trong những quỹ đầu tư tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Nhựa Đông Á sẽ phát hành 40 tỷ đồng trái phiếu chuyển đối cho JSEAGF. 13,5 tỷ đồng còn lại sẽ được phát hành cho đối tác chiến lược thứ 2 là Công ty liên doanh Shide Việt Nam.

Trước đó, tháng 9 đến tháng 11, tại Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA), một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài là Beira Limited cũng bất ngờ trở thành cổ đông lớn nhất sau khi mua 2,62 triệu cổ phần với giá 13.537 đồng một đơn vị, cao hơn thị giá hiện tại của AAA (13.100 đồng).

Trước đó, Beira Limited chưa từng sở hữu cổ phần AAA. Số cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát dự kiến bán cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng từng bị ế cho đến khi được Beira Limited mua lại. Hiện tại, 2 cổ đông ngoại lớn của Nhựa và Môi trường xanh An Phát là Intereffekt Investment Funds N.V và Beira Limited.

Trao đổi với PV, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng, chiến lược đầu tư của khối ngoại rõ ràng đang có sự thay đổi, dòng tiền có xu hướng chú trọng về "chất" khi họ mua chứng khoán làm đối tác chiến lược với những doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng cao. Chưa kể, khối lượng mua lớn, nắm giữ thời gian dài. Những thương vụ như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.

Hiện tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của khối ngoại trên hai sàn tính đến 7/12/2012 chưa đến 15%, trong khi các năm trước luôn trên mức này. Nghĩa là "khẩu vị" khối ngoại đang thay đổi, dòng tiền dương của họ lúc này chủ yếu đến từ những thương vụ mua bán cổ phần chiến lược, còn dòng tiền mua bán thật sự trên sàn lại sụt giảm, nếu không muốn nói là đang bị bán ròng, rút vốn, nhất là những chứng khoán có tiềm năng kém, ông Khánh nói thêm.

Thông thường, các nhà đầu tư ngoại nhiều tiền, chỉ cần doanh nghiệp tốt họ sẵn sàng mua, bất chấp giá cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư nội địa hay thích mặc cả, lại thêm thời kỳ khó khăn, cũng không nhiều đơn vị dư giả tiền bạc để mua cổ phần.

Ông Khánh cũng nhận định thêm, việc thị trường chưa thuận lợi, giá cổ phiếu đang "rẻ hơn bó rau", các đối tác chiến lược trong nước thờ ơ có thể khiến một số nhà đầu tư ngoại tăng khả năng gây sức ép về giá, giúp họ cơ hội mua cổ phiếu giá bèo mà thời hoàng kim của thị trường chứng khoán không thể mua được. Điểm hấp dẫn ở các công ty Việt Nam đối với khối ngoại chủ yếu nằm ở nhân công rẻ, chi phí thấp, chính sách thu hút vốn đầu tư... và giá cổ phiếu hiện ở mức thấp thuộc hàng Top trên thế giới, ông Khánh nhận định.

Ông Phạm Cao Đức, Trưởng phòng Nghiên cứu thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT lại cho rằng xu thế khối nội đi tìm vốn ngoại chiến lược là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh hiện tại. Lợi thế của các đối tác nước ngoài là công nghệ quản lý hiệu quả, nhân sự chất lượng cao, nguồn vốn dồi dào và có sẵn các mối quan hệ trong ngành, đây sẽ là những yếu tố giúp doanh nghiệp nội phát triển nhanh và ổn định hơn.

Hơn nữa, các công ty trong nước lên sàn chứng khoán là để huy động vốn, nhưng nếu hiện giờ có thể tìm đối tác ngoại và ổn định sản xuất, họ sẽ không phải suy nghĩ nhiều việc giá cổ phiếu công ty lên xuống thất thường do ảnh hưởng từ thị trường. Ông Đức nói thêm, như vậy, những công ty trong nước có thể tập trung nhiều hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Ngoài ra, ông Đức cũng nhấn mạnh, phần lớn các nhà đầu tư ngoại tiếp cận thị trường Việt Nam không hoàn toàn vì ý định thâu tóm. Mục đích cốt yếu họ chỉ muốn hợp tác và phát triển, do đó ít có khả năng họ chèn ép giá cổ phần đối với các công ty trong nước, mức giá các cuộc thỏa thuận gần đây cũng rất công bằng, ông Đức nhận định.

 

Thảo Nguyên (Theo VnExpress)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo