Tin tức - Sự kiện

"Dự thảo Luật quy định quyền lập hội của công dân còn khiêm tốn"

Đó là nhận xét của ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13 tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật Về hội.

Hội thảo do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội phối hợp với tổ chức Oxfam tổ chức sáng 1/3.

Luật Về hội đã được dự kiến thông qua vào cuối năm 2016, song phút chót đa số ý kiến đại biểu đồng ý chưa thông qua. Đa số đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.

Đây là lần thứ 2 Quốc hội đã đưa ra thảo luận tại hội trường và không thông qua, điều đó nói lên tính chất quan trọng và phức tạp của nội dung Luật Về hội, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bình luận.

Ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13 phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội.

Tại hội thảo, thông tin tổng quan từ ban soạn thảo cho biết, hiện nay các hội ở Việt Nam có xu hướng phát triển đa dạng, tính đến hết 2017 có khoảng 68 ngàn hội. Thời gian qua các hội đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Song thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, trong khi nhu cầu thành lập hội ngày càng nhiều và đa dạng, 

Quyền cơ bản đang bị hạn chế

Góp ý đầu tiên, ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13 khẳng định ban hành Luật Về hội là rất cần thiết. Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này.

Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Tuy nhiên, ông Luyến cho rằng dự thảo luật quy định quyền lập hội của công dân còn quá khiêm tốn. Điều 3 của dự thảo luật mới quy định chung về quyền lập hội của công dân. Nhưng tại các chương, điều sau của dự thảo thảo luật có rất ít quy định cụ thể về các quyền này.  Hơn nữa, việc quy định cụ thể các quyền của công dân, như sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, gia nhập hội, hoạt động hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội còn tản mạn ở các điều, còn rất hạn chế, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa thể hiện đúng bản chất quyền lập hội của công dân là một trong những quyền chính trị quan trọng của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

 

Nội dung nữa khiến ông Luyến băn khoăn là dự thảo luật chỉ điều chỉnh hội có đăng ký thành lập, có tư cách pháp nhân, mà không điều chỉnh các hội không đăng ký, không có tư cách pháp nhân.

Trong khi thực tiễn những năm qua cho thấy đã và đang tồn tại nhiều loại hội khác nhau, như: các hội đăng ký thành lập, có tư cách pháp nhân; các hội được thành lập không đăng ký hoặc không được đăng ký, không có tư cách pháp nhân; các hội của người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

 Việc quy định như dự thảo luật sẽ làm hạn chế quyền lập hội của công dân, bởi vì hiện nay có nhiều hội của công dân, như hội đồng niên, hội đồng ngũ, hội đồng môn, dòng họ, hội nghề nghiệp... được thành lập và đáp ứng các tiêu chí về hội, có người đứng đầu hội. Đây là nhu cầu tất yếu của con người để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau. Tổ chức và hoạt động của các hội này cũng tương tự như các hội có tư cách pháp nhân, ông Luyến nhìn nhận.

Mặt khác, nếu dự thảo luật không điều chỉnh các hội này, thì việc quản lý nhà nước đối với các hội này như thế nào, trường hợp có vi phạm pháp luật thì xử lý vi phạm đối với các hội này sẽ thực hiện như thế nào?, ông Luyến đặt vấn đề.

Vui vì không thông qua

 

Đáng lẽ phải buồn nhưng chúng tôi lại vui vì dự án luật đã không được thông qua, vì có nhiều nội dung không phù hợp, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh khi lên tiếng tại hội thảo.

Ông Hùng cho biết Tổng hội và nhiều tổ chức thành viên của Liên Hiệp hội đã liên tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo về nội dung của luật, nhiều ý kiến cho rằng tên của dự thảo luật có lẽ là Luật Quản lý về hội thì có lẽ phù hợp hơn.

Bởi lẽ,  trong 33 điều chỉ có 2 điều quy định liên quan đến quyền lợi của hội viên. Tất cả các quy định còn lại đều mang nội dung quản lý nhà nước đặc biệt là nhiều nội dung không cần thiết can thiệp vào nội dung hoạt động và điều lệ của các tổ chức của hội.

Đi vào các nội dung cụ thể, ông Hùng đề nghị luật này áp dụng cho mọi tổ chức hội và cho rằng cần bỏ nhiều quy định không cần thiết liên quan đến điều lệ hội. Như không cần cơ quan quản lý  nhà nước công nhận người đứng đầu vì họ đã được đại hội tín nhiệm theo tiêu chuẩn....

Nên đọc
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo