Hỗ trợ doanh nghiệp

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần 2: Rà soát lại các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi

DNVN – Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 đã thu hẹp lại gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải hàng không...

Kích hoạt gói hỗ trợ, doanh nghiệp ngóng từng ngày / Doanh nghiệp gặp khó, lao động mất việc vì COVID-19, Việt Nam cần gói hỗ trợ lần 2?

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào cuối 2/3, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần thứ 2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, trong đó giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.

Bộ KH&ĐT đã có những báo cáo sơ bộ trước khi trình Chính phủ, trong đó khẳng định do tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp phải một số khó khăn, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết.

Trong công tác phòng chống dịch, các giải pháp về giãn cách xã hội, phong tỏa cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giao thương, giao dịch về mặt kinh tế. Đầu năm 2021, tác động này rất khác so với năm 2020, do các nước trên thế giới và ở Việt Nam đồng loạt áp dụng chính sách phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Năm 2021, các giải pháp về phòng chống COVID-19 đã có sự thay đổi, cập nhật và tiến bộ hơn. Đặc biệt là Việt Nam đã có những điều chỉnh rất phù hợp với tình hình, gắn với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đối tượng bị tác động trong xã hội cũng có sự thay đổi so với thời điểm trước đây, thị trường trong nước dần được khôi phục.

Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại (gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải hàng không). Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đã phát hành công văn gửi các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, trong đó có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào.

Về mặt tiến độ, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, nghiên cứu, có tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế trước khi báo cáo Chính phủ.

Liên quan đến gói hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức 4 Hội nghị với các doanh nghiệp trong hai ngày 1 - 2/3/2021 để tổng hợp ý kiến, nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo ban hành các chính sách hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cũng liên quan đến gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đưa ra kiến nghị được miễn giảm thuế, phí thay vì giãn, hoãn thuế do ảnh hưởng của dịch. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cũng cho biết, năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, để thực hiện mục tiêu kép, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài khóa, trong đó có các chính sách về thuế, phí như gia hạn, miễn, giảm các loại thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội, UBTVQH ban hành 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của UBTVQH. Đồng thời, theo thẩm quyền, Bộ Tài chính đã sửa đổi 31 thông tư về thuế, phí, lệ phí theo hướng gia hạn, miễn giảm các mức thu của nhiều khoản thuế, phí, lệ phí có hiệu lực đến hết năm 2020.

Cuối năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất gia hạn và điều chỉnh giảm mức thu của 29 loại thuế, phí, lệ phí với mức giảm từ 50% đến 100% đến hết ngày 30/6/2021, đồng thời cũng đã trình UBTVQH tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ cũng trình Chính phủ cho phép tính vào chi phí khấu trừ của doanh nghiệp đối với các chi phí ủng hộ, hỗ trợ theo hoạt động phòng chống dịch COVID-19 để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, Bộ đang chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành trong thời gian vừa qua để tiếp tục có những đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm