Hiệp định CPTPP

Chuyên gia: ‘Cam kết của CPTPP, EVFTA cực khó, có những thứ không giải thích được’

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh việc giải thích các quy định, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA là rất cần thiết để các doanh nghiệp nắm được; và việc giải thích này nên do những chuyên gia trực tiếp đàm phán hiệp định thực hiện.

Cam kết tại CPTPP: Điều kiện với ô tô đã qua sử dụng theo hạn ngạch thuế quan NK / CPTPP, cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn

Doanh nghiệp cần phải chấp nhận mất chi phí ban đầu

Tại cuộc tọa đàm “EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU”, bà Nguyễn Thu Trang cho hay: ở bình diện chung, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn các doanh nghiệp EU, tuy nhiên ở một số ngành nhất định, Việt Nam vẫn có lợi thế vượt trội.

Bà Nguyễn Thu Trang.
Bà Nguyễn Thu Trang.

Điều may mắn hơn cả là cơ cấu kinh tế Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh trực tiếp mà là cạnh tranh bổ sung. Những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại.

“Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất. Ví dụ để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa thì đắt hơn, nhưng điều đó lại giúp các doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU”, bà Trang nói.

Ngoài chi phí nói trên, bà Trang cũng lưu ý về chi phí tuân thủ. Cụ thể, việc đáp ứng các cam kết, quy định trong EVFTA sẽ dẫn đến sự thay đổi về pháp luật của Việt Nam. Điều này dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải chịu thêm các chi phí tuân thủ.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chấp nhận những chi phí như vậy để thay đổi và tận dụng cơ hội”, bà nói.

 

Doanh nghiệp tự cứu mình trước khi chờ nhà nước hỗ trợ

Đề cập đến khả năng phòng vệ thương mại, bà Trang cho hay kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có các biện pháp phòng vệ. Nhìn lại lịch sử, Việt Nam có pháp lệnh phòng vệ từ năm 2003 – 2004, sau 6 năm mới có vụ kiện tự vệ đầu tiên, sau 10 năm mới có vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên. Lũy kế đến nay, Việt Nam có 9 vụ chống bán phá giá, 6 vụ tự vệ.

“Các doanh nghiệp đã bắt đầu quen với phòng vệ, nhà nước cũng có công cụ, thực tiễn đã sử dụng được”, bà Trang khẳng định.

Tuy nhiên, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động trước khi nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. “Nếu muốn tận dụng cơ hội thì doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, nhà nước có giới thiệu cơ hội mà doanh nghiệp không chịu đọc thì cũng chịu. Trước khi mong muốn ai cứu mình, doanh nghiệp phải tự cứu”.

Dù vậy, nữ Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng không phủ nhận vai trò hỗ trợ quan trọng của nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo bà, có ít nhất 3 khía cạnh cho thấy các doanh nghiệp rất cần được nhà nước hỗ trợ.

Một là các cam kết trong các hiệp định. “Các cam kết khó cực kỳ, chúng tôi chỉ ăn và tìm hiểu để giải thích cho doanh nghiệp hiểu cũng rất khó. Tôi mong các anh chị đi đàm phán trực tiếp hãy giải thích cho doanh nghiệp. VCCI dù cố gắng những có nhiều thứ không giải thích được”.

 

Hai là có những việc doanh nghiệp có thể làm nhưng không hiệu quả. “Ví dụ thông tin cơ bản về nhu cầu, xu hướng của thị trường, đây là thứ các thương vụ của Bộ Công Thương nắm rất rõ, Bộ nên hỗ trợ để các doanh nghiệp không cần tốn công sức tìm hiểu. Doanh nghiệp chỉ cần tìm hiểu về đối tác hoặc các vấn đề của riêng họ”.

Ba là các cơ quan nhà nước cần có tư duy hành động không chỉ tuân theo hiệp định mà còn vượt lên trên hiệp định để cải thiện môi trường kinh doanh, để các doanh nghiệp có thể rảnh tay nâng cao hiệu quả sản xuất, không còn phải lo lắng về các rào cản.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: sự chủ động của các doanh nghiệp là rất quan trọng.

“Một doanh nghiệp đưa hàng vào thị trường EU, thay vì chạy đến hỏi cơ quan nhà nước về thủ tục, thị trường, họ bỏ vài chục nghìn USD thuê một công ty nghiên cứu, đánh giá, xem hàng vào EU cần đáp ứng quy định gì. Sự tiếp cận nghiêm túc và chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng.

“EVFTA được ví như cao tốc, nhưng không phải xe nào cũng được chạy trên cao tốc. Thị trường EU rất lớn nhưng không phải ai cũng có thể đi vào đó. Doanh nghiệp đã xác định EU là thị trường mục thì cần có cách tiếp cận bài bản. Mặt khác, trong quan hệ với EU, cần xây dựng chuỗi cung ứng, trong chuỗi đó có các doanh nghiệp đi đầu, ta cần tham gia. Mỗi doanh nghiệp có bài toán riêng, cách tính riêng, cơ quan nhà nước rất khó khuyên họ phải làm gì”.

 


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm