Thị trường

Hội chợ cũng bị… “nhân bản”

Mặc dù hiện nay, các siêu thị hàng tiêu dùng ngày càng phổ biến, song những hội chợ tổ chức theo đợt vẫn rất thu hút mọi người, bởi hội chợ hàng tiêu dùng đi theo tiêu chí riêng, có nhiều mặt hàng thú vị mà bình thường người mua không dễ tìm thấy. Song cũng từ đây, “hội chợ” có thể bị lợi dụng để câu kéo mọi người vào những món hàng “trăm lần như một”.

Những mặt hàng này xuất hiện trong mọi hội chợ tại công viên Thống Nhất. Ảnh: BÍCH THẢO

Công viên Thống Nhất là nơi tổ chức hội chợ quen thuộc nhân các dịp lễ như Quốc tế Phụ nữ 8.3, Quốc tế Thiếu nhi 1.6, hay khi không có ngày lễ thì nhà tổ chức “nghĩ” ra xu hướng như hội chợ Mỹ phẩm - Thời trang - Quà tặng, hội chợ Thời trang thu-đông, hội chợ Thời trang hè…

Tuy nhiên, điều đáng nói là những hội chợ tổ chức tại đây chỉ khác nhau ở… tên gọi và cách trang trí cổng vào bắt mắt, còn những gian hàng, sản phẩm bày bán ở trong thì hoàn toàn giống nhau hết lần này tới lần khác.

Thậm chí, sự giống “trăm lần như một” này còn thể hiện ở cách thiết kế, sắp xếp vị trí gian hàng.

Dù đó là hội chợ được mở theo tiêu chí nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thiếu nhi hay thời trang thì người tiêu dùng ghé qua đều dễ dàng nhận ra bên phải cổng vào là gian hàng bán xoong nồi, đồ gia dụng Goldsun, bên trái là gian hàng bán dụng cụ tập thể dục, chính giữa là những quầy bán giày dép Trung Quốc, đi dần vào trong là các gian hàng quần áo, vỏ gối, chăn, các món “đặc sản” như mật ong rừng, hải sản, măng, lá thuốc, cùng dao kéo, đồ nhựa…

Không chỉ gây thất vọng ở việc “nhân bản” hội chợ với các chủ hàng, gian hàng và cách bài trí y hệt nhau qua nhiều lần tổ chức, chất lượng hàng hóa tại hội chợ ở công viên Thống Nhất cũng dễ khiến người tiêu dùng ngán ngẩm.

Rất nhiều món đồ Trung Quốc không rõ xuất xứ cụ thể được bày bán như đồ điện, quần áo… với màu sắc lòe loẹt, mùi bốc lên khó chịu.

Dù vậy, giá cả tại đây đối với một số mặt hàng phổ biến lại không hề rẻ. Chẳng hạn như chiếc áo thun nam được quảng cáo là “đồ Quảng Châu” và dù đã giảm 30%, nhưng vẫn có giá bán tới 280.000 đồng. Hay như bộ quần áo bông mặc ở nhà có giá 150.000 đồng ở bên ngoài, nhưng vào đây bị “đẩy” lên tới 250.000 đồng.

Chị Thùy Linh (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) bày tỏ bức xúc: “Mình mất tiền vé vào cửa là 10.000 đồng, nhưng vào tới nơi thì thấy hoàn toàn không khác gì lần tổ chức trước đây. Những gian hàng vẫn y như vậy, hàng hóa thì không phong phú và nói thật là mình chẳng lựa được món nào. Vậy mà tên hội chợ được xướng lên rất kêu!”.

Trong khi đó, bác Ân (70 tuổi) chia sẻ: “Tôi thường đi tập thể dục trong công viên nên tiện thấy hội chợ thì hay ghé vào. Thấy bảo là tên hội chợ thay đổi thì tôi mới biết vì tôi đi cổng khác, chứ hội chợ thì lần nào chả y như thế này. Đồ ở đây khó mua vì chủ yếu là đồ Trung Quốc, giá cả không biết thế nào là đắt hay rẻ, chất lượng cũng chẳng biết đâu mà lần”.

Dù tình trạng “nhân bản” hội chợ như vậy đã diễn ra từ lâu, song dường như cả nhà tổ chức và các chủ gian hàng đều hài lòng với lượng khách ghé thăm, nên họ chẳng hề có ý định thay đổi. Bởi vậy, không ít người tiêu dùng bước chân vào hội chợ ở công viên Thống Nhất từ lần thứ 2 trở đi đã phải lắc đầu ngao ngán: “Đây là hội chợ thật sao?”.

Theo báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo