Hỗ trợ doanh nghiệp

Hội nghị Ban chấp hành Vinasme, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân: “Chúng ta được Chính phủ giao những nhiệm vụ rất quan trọng nhưng vai trò chưa được đề cao đúng mức”

(DNVN) - Ngày 31/1/2018, tại Hà nội diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) lần thứ II (Khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021). Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh: “Chúng ta được Chính phủ giao những nhiệm vụ rất quan trọng nhưng vai trò chưa được đề cao đúng mức”. TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nêu bật thực tiễn: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu”. Phát biểu tại hội nghị, các doanh nghiệp có ý kiến quần tụ: Cần phải liên kết với nhau mới mạnh lên và có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ngay tại thị trường trong nước.

Chủ tịch Vinasme Nguyễn Văn Thân.

Gần 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Theo đó, các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc của DNNVV không chỉ có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Trong tổng số trên 97% doanh nghiệp đăng ký hoạt động thì có đến gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2% là quy mô vừa, vốn ít song khả năng huy động lại  không có, công nghệ lạc hậu. Có tới 52% số doanh nghiệp có quy trình công nghệ lạc hậu và rất lạc hậu, trình độ quản lý  thấp, lao động hầu hết là thủ công chưa qua đào tạo... nên các doanh nghiệp rất dễ bị tổn thương, hạn chế về khả năng cạnh tranh trên thị trường, số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải ngừng hoạt động vẫn còn lớn.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Vinasme.

Hiến kế cho việc nâng cao sức cạnh tranh của DNNVV, ông  Phạm Văn Thơ - Chủ tịch Chi hội xe máy xe điện ( TGĐ  Công ty Cổ phần Ô tô , xe máy , xe điện CMV Việt Nam) cho biết, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau mới mạnh lên và có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ngay tại thị trường trong nước. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà sản xuất, lắp ráp, khách hàng cùng ngồi lại với nhau. Từ đó, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới. Đặc biệt khu vực Đông nam á. Tới đây cả Nhật Bản và Đài Loan.

Tồn tại tiếp theo là DNNVV thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách lớn để hỗ trợ, khuyến khích phát triển một cách có hệ thống và thông thoáng về vốn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ  phát triển DNNVV tổ chức triển khai chậm, thiếu tổng kết đúc rút kinh nghiệm, nên các chính sách chưa phát huy được hiệu quả. Trong đó, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng còn hạn chế do lãi xuất cao, thủ tục phức tạp. Các Quỹ bảo lãnh tín dụng (ra đời theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ) hoạt động cũng rất hạn chế. Nhiều DNNVV vẫn khó tiếp cận, không hy vọng được vay vốn thông qua quỹ này. Do vẫn trở ngại ở thủ tục thẩm định, phê duyệt  hoặc là vấn đề bảo lãnh không khác gì so với các Ngân hàng thương mại vẫn đang làm khi xem xét cho vay khách hàng thông thường khác. 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Mỹ Thuận – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Cần Thơ chia sẻ, doanh nghiệp Cần Thơ có 98% là nhỏ, siêu nhỏ. Công nghệ, tài chính, thị trường rất yếu. Vì vậy, rất cần cơ chế để hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn ở trong vòng luẩn quẩn từ lâu. Không thay đổi công nghệ thì mặt hàng không cạnh tranh. Muốn thay đổi công nghệ phải có tài chính. Muốn có tài chính phải vay ngân hàng nhưng vay không được.

 

Bà Nguyễn Mỹ Thuận.

Hiện tại, hầu hết các DNNVV khó khăn trong tiếp cận thị trường, thiếu thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu. Trong đó, tập trung ở các vấn đề như: Thiếu hiểu biết về nội dung của các Hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ đã ký với các nước và các tổ chức Quốc tế. Biết rất ít về những thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhất là những thông tin về thuế xuất, luật pháp, nhu cầu, giá cả ... của nước nhập khẩu. Nhiều DNNVV sản xuất trong nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, muốn xuất khẩu hàng hóa của mình cũng không biết bắt đầu phải làm gì và làm việc với cơ quan nào.

Thiếu mặt bằng cho sản xuất kinh doanh cũng đang là bước cản hạn chế hoạt động của DNNVV. Lý do, rất khó tiếp cận và được thuê đất để  sản xuất kinh doanh, giá thuê đất năm 2016 và 2017 tăng cao, làm cho các DNNVV khó mở rộng quy mô sản xuất và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Tp. Đà Nẵng cho biết, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay của DNNVV Tp. Đà Nẵng là sai phạm đất đai còn tồn tại từ năm 2004 đến giờ. Theo kêu gọi của thành phố, doanh nghiệp đổi đất lấy hạ tầng với thời hạn lâu dài. Nhưng sau đó sửa lại 50 năm. Tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp vào ngân hàng  thì nay thay đổi từ đất ở sang đất thuê khiến cho giá trị bị giảm đi một nửa, ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp. Những việc đó làm ngưng trệ hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, rất mong cơ chế, chính sách của Nhà nước nhất quán, lâu dài để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đừng đẩy hết rủi ro về chính sách vào cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Bắc Bình.

Trong khi đó, chi phí sản xuất có xu hướng tăng. Việc tăng chi phí liên quan đến vấn đề tăng tiền lương và bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, tăng chi đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới thiết bị quy trình công nghệ ... nhằm nâng cao năng xuất lao động, tăng khả năng cạnh tranh cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Vai trò của hiệp hội chưa được Nhà nước đề cao đúng mức

 

Cùng chia sẻ với các Hiệp hội địa phương về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Vinasme được Chính phủ giao những nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Liên kết giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI. Thu hút nguồn vốn trong dân. Góp ý kiến xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, tham vọng rất lớn nhưng chúng ta chưa làm được gì nhiều. “Các địa phương không tiếp vì chúng ta không có quyền. Chính phủ phải giao quyền mới làm được. Đến địa phương còn nhạt nhòa lắm. Chúng ta phải bàn sâu để có tư vấn chuẩn mới tạo điều kiện phát triển tốt. Mong các hiệp hội chia sẻ và cống hiến”. Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Vinasme, vị trí và vai trò của Tổ chức hội chưa được Nhà nước đề cao đúng mức. Mặt khác, phần lớn các cấp hội hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu nguồn kinh phí. Nhiều hội chưa có trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và trang thiết bị còn thiếu, nên khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ đủ năng lực trình độ, có phẩm chất và nhiệt tình về làm việc cho Hiệp hội. Ngay cả cơ quan Trung ương Hiệp hội hiện cũng chưa có trụ sở làm việc ổn định, phải đi thuê nên rất khó khăn trong việc mở rộng các hoạt động tư vấn, trợ giúp.

Cần nâng cao hơn nữa vai trò của Vinasme.

Để nâng cao vai trò của tổ chức hiệp hội, bà Nguyễn Mỹ Thuận cho rằng, Vinasme được làm việc trực tiếp với các bộ ngành, Chính phủ nên cần tranh đấu cho doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh thuận lợi. Nếu Vinasme có thể tổ chức giao lưu kết nối để xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp thì rất hoan nghênh.

Vấn đề quan trọng là giờ chưa có luật hiệp hội nên các hiệp hội ở các địa phương tự bơi chứ Nhà nước đâu có hỗ trợ. Nên ở đâu làm tốt được thì sống, không thì lay lắt. Trong khi đó, hiệp hội là cánh tay đắc lực cho Nhà nước có thể nói đó là cánh tay trái, các bộ, ngành là tay phải. Cánh tay trái hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng các hiệp hội phải tự lo hết nên rất yếu. Vậy thì trách nhiệm của Vinasme làm thế nào để các thành viên của mình có thể có cơ chế hỗ trợ nào đó từ những dự án của Nhà nước cũng như nước ngoài để có thể tạo nguồn thu và hoạt động. Hiệp hội trung ương cần phải cố gắng nhiều hơn mới đáp ứng được yêu cầu đó.   

Bài và ảnh: Thiên Kim
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo