Phân tích

HoREA kiến nghị giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

(DNVN) - Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nếu đến ngày 31/05/2016 mà người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần, và nếu chấm dứt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng này, thì người thu nhập thấp đô thị sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, không biết xoay sở như thế nào để có tiền mua nhà...

Trước thông tin gói 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức dừng vào 1/6/2016 - đúng 36 tháng sau khi được triển khai, tức các khoản giải ngân sau ngày này phải chịu lãi cao ít nhất là gấp đôi so với mức ưu đãi 5% hiện nay, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Thường trực Thành ủy và UBND TP. HCM.

Theo đó, trong văn bản này, HoREA cho rằng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đặt mục tiêu giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong 3 năm. Và thời hạn 36 tháng (từ 1/6/2013 đến hết ngày 31/5/2016) là do Ngân hàng Nhà nước ấn định, bởi vì Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã không quy định thời hạn này.

Theo HoREA, đến nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng đạt 96.28%, và đã giải ngân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đạt 66.6%, với gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, chỉ có khoảng 30% mua nhà ở xã hội. Như vậy, thời hạn giải ngân chỉ còn 2,5 tháng trong khi số vốn chưa giải ngân là gần 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng giá trị của gói ưu đãi.

HoREA kiến nghị cho giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Trước ý kiến cho rằng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhằm để hỗ trợ thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn bị khủng hoảng đóng băng, nay thị trường đã phục hồi thì không cần thiết kéo dài sự hỗ trợ này nữa HoREA cũng cho rằng, đối chiếu với 3 mục tiêu của Nghị quyết thì trong giai đoạn thị trường bất động sản đã phục hồi và tăng trưởng hiện nay, không cần thiết tiếp tục chính sách ưu đãi để hỗ trợ chủ đầu tư và tổ chức tín dụng trong việc giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu. Tuy nhiên, các đối tượng là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị luôn cần thiết có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận nhà ở.

Mặc dù cũng từ ngày 1/6/2016, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được thực hiện theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 25/2015/TT-NHNN của NHNN, nhưng do nguồn nhà ở xã hội không nhiều, nguồn cung quá thấp nên nhiều đối tượng người thu nhập thấp đô thị sẽ rất khó tiếp cận. 

Như vậy, còn nhiều người thu nhập thấp đô thị rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà không ấn định thời hạn để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định chấm dứt giải ngân kể từ ngày 1/6/2016 thì cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người đến thời điểm cuối tháng 5/2016 đã ký hợp đồng tín dụng vay ưu đãi nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới giải ngân một phần. 

Theo lý giải của HoREA, trước khi ký hợp đồng tín dụng vay gói ưu đãi, người thu nhập thấp đô thị đã phải ký hợp đồng mua nhà ở thương mại (dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ) với chủ đầu tư và đã phải trả trước 20% giá trị hợp đồng. Đơn cử như mua căn hộ 1 tỷ đồng, phải trả trước 20% tương đương 200 triệu đồng, sau đó ký hợp đồng tín dụng vay 800 triệu đồng.

 

Nếu đến ngày 31/05/2016 mà người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần, và nếu chấm dứt giải ngân gói tín dụng ưu đãi này, thì người thu nhập thấp đô thị sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, không biết xoay sở như thế nào để có tiền mua nhà.

Còn nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định. Giả định được vay thương mại thì với lãi suất khoảng trên dưới 10%/năm (gấp đôi mức lãi suất ưu đãi hiện nay) cũng là gánh nặng khó kham nổi. Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN chỉ đạo cơ chế chuyển tiếp để xử lý các trường hợp này, cho phép ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân các trường hợp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần được giải ngân đến hết hợp đồng.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo