Khám phá

Giải mã cái chết bí ẩn của danh tướng bị Quan Công ‘hiển thánh báo thù’ trong Tam Quốc diễn Nghĩa

Lã Mông, đại đô đốc đời thứ ba Đông Ngô, lập nhiều đại công trong binh nghiệp mà đỉnh cao chính là chiếm Kinh Châu, bắt Quan Vũ. Nhưng trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lã Mông đã bị La Quán Trung bôi bác khi cho danh tướng này chết bởi… oan hồn Quan Vũ. Dĩ nhiên, theo ghi chép chính sử, Lã Mông chết bởi nguyên nhân hoàn toàn khác.

Báo đốm hoành tráng săn linh dương và cái kết... không vui / Cận cảnh "thủy quái" khổng lồ sông Mekong cực hiếm

La Quán Trung lấy nhà Hán làm chính thống do đó trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Quan Vũ - người em kết nghĩa và cũng là đại tướng số 1 của Lưu Bị - được mô tả là nhân vật vũ dũng hào hiệp, khí phách anh hùng. La Quan Trung đã thêu dệt rất nhiều chiến công cho nhân vật Quan Vũ, còn những thất bại được ghi trong sử sách thì lại lược bỏ.

Lã Mông có thể võ nghệ không so với Quan Vũ nhưng tài trí, tầm nhìn quân sự thì vượt xa nhân vật được phong thánh

Thần thánh hóa Quan Vũ, hạ thấp Lã Mông

Một trong những chi tiết hư cấu… quá đáng nhất của La Quán Trung chính là đoạn ông mô tả Quan Vũ sau khi chết đã hiển linh báo thù Lã Mông. Ở hồi 77 Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết thế này: “trong buổi đại tiệc mừng công của Đông Ngô nhân chiếm được Kinh Châu "hồn" của Quan Vũ nhập vào Lã Mông, xưng mình là Hán Thọ Đình hầu, ngồi lên ngai của Ngô chủ, chửi mắng Tôn Quyền một hồi trước khi ngã lăn xuống đất chết”.

Vì muốn thần thánh hóa Quan Vũ nên La Quán Trung đã chủ ý bôi bác… kẻ đã đánh bại Vũ. Lã Mông, đại đô đốc đời thứ ba Đông Ngô, người lưu danh sử sách với kế “áo trắng qua sông”, chiếm Kinh Châu, đánh bại Đại hổ tướng Quan Vũ, chính là người đó. Do Quann Vũ bị Lã Mông bắt sống và sau đó bị chém đầu nên cũng chỉ còn cách cho Vũ, sau khi chết “hiển linh quật chết” Mông mà thôi!

Lã Mông (178 - 220), tự Tử Minh, là danh tướng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tài năng quân sự của Lã Mông được nhiều tướng lĩnh và nhà quân sự đương thời đánh giá cao. Tại Tam Quốc chí, quyển 54 (Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện), Trần Thọ khen ông là người trí dũng song toàn, có nhiều mưu kế giỏi và kì diệu như dụ hàng Hác Phổ, bắt sống Quan Vũ.

Lã Mông được sử sách và những danh nhân Trung Quốc đời sau đánh giá rất cao
Lã Mông được sử sách và những danh nhân Trung Quốc đời sau đánh giá rất cao

Các sử sách thời sau đều đánh giá rất cao về Lã Mông. Tấn thư dẫn lời của Đặng Thiết bình luận với Cam Trác về Lã Mông, khen ông là một vị tướng tài bậc nhất thời Tam Quốc. Tấn thư cũng chép lại lời nhận xét của Ngụy Nguyên Trung khen ngợi những vị văn thần võ tướng xuất thân bần tiện nhưng ý chí vươn lên mãnh liệt sau cùng làm nên đại nghiệp, trong đó có Lã Mông.

 

Lã Mông: danh tướng bậc nhất thời Tam Quốc

Đời nhà Đường, lễ nghi sử Nhan Chân Khanh từng dâng biểu lên vua Đường xin truy phong cho các 64 tướng lĩnh thời xưa, trong đó có Trương Liêu, Đặng Ngải, Quan Vũ, Trương Phi, Chu Du, Lục Tốn, Lục Kháng và Lã Mông. Sang thời nhà Tống, năm thứ năm niên hiệu Tuyên Hòa, Lã Mông được liệt vào hàng 72 danh tướng thời cổ đại và được lập miếu thờ.

Đến cả những nhân vật chính trị thời hiện đại cũng không ngớt khen ngợi Lã Mông. Tháng 9 năm 1959, trong chuyến công tác tại An Huy, Mao Trạch Đông đã có lời khen ngợi đối với Lã Mông, cho ông là người kiêu hùng dũng lược và chí khí và đánh giá cao những thành tích của ông.

Lã Mông xuất thân nghèo khổ, nên thuở nhỏ cũng rất ít được đi học. Về sau nghe lời khuyến khích của Tôn Quyền, ông mới bắt đầu trao dồi học vấn. Với tài trí và lòng kiên trì của mình, chỉ trong vòng mấy năm, Lã Mông từ một kẻ dốt nát đã trở thành một học giả siêu việt, vị tướng văn võ song toàn, trụ cột đắc lực của Đông Ngô, đến cả Lỗ Túc cũng phải khâm phục.

Tạo hình của Lã Mông trong phim truyền hình Tân Tam Quốc 2010
Tạo hình của Lã Mông trong phim truyền hình Tân Tam Quốc 2010

Trong quãng thời gian phục vụ cho tập đoàn Đông Ngô, Lã Mông lập vô số đại công như: chém đô đốc Trần Tựu của Hoàng Tổ giúp Tôn Quyền chiếm Hạ Khẩu trong trận chiến Giang Hạ (208); hiến liên hoàn kế góp công lớn trong việc giải vây Di Lăng và hạ thành Giang Lăng (209); phòng thủ cẩn mật đẩy lui đại quân Tào ở Lư Giang (năm 213), tự mình dẫn quân đánh chiếm Hoàn Thành (năm 214). Chiếm ba quận Kinh Châu là Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng (cùng năm 214), Cứu Tôn Quyền thoát chết trong cuộc truy kích của đại quân Trương Liêu ở trận Hợp Phì (năm 215), Đánh lui quân Tào ở Nhu Tu Khẩu (217) và đỉnh cao chính là đoạt Kinh Châu, bắt giết Đại hổ tướng Qua Vũ cuối 219 đầu 220.

 

Nguyên nhân cái chết của Lã Mông

Giờ chúng ta trở lại với cái chết của Lã Mông. Sau khi lập đại công trong lấy lại Kinh châu, Lã Mông được Tôn Quyền thăng lên chức Nam quận thái thú, tước Sàn Lăng hầu, ban 5000 cân hoàng kim. Lã Mông cáo ốm không nhận nhưng Tôn Quyền nhất quyết phong chức, làm lễ long trọng, lại ban cho của cải quý ở hai quận Nam quận, Lư Giang.

Khi Lã Mông mắc bệnh, Tôn Quyền tỏ ra vô cùng lo lắng, xây nội điện cho ông nghỉ ngơi không tiếc vàng bạc mời danh y đến chữa trị, đồng thời rất quan tâm đến bệnh tình của ông, phái tiểu đồng vào phủ quan sát. Khi Lã Mông thèm ăn và ăn được thì Tôn Quyền tỏ ra vui mừng, còn khi bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng thì Tôn Quyền rất lo lắng.

Tuy nhiên đến một hôm, bệnh tình Lã Mông trở nên nghiêm trọng, thập tử nhất sinh. Tôn Quyền lo lắng đến mức phái đạo sĩ cầu phúc cho ông. Khi biết mình khó qua khỏi, Lã Mông sai đem những vàng bạc của cải của Tôn Quyền ban tặng trả lại hết, dặn dò làm lễ tang chỉ nên giản đơn. Lã Mông mất đầu năm 220, thọ 43 tuổi.

Lã Mông - tác giả của kế sách áo trắng qua sông đánh chiếm Kinh Châu, bắt sống Quan Vũ, thực ra chết vì bệnh... dạ dày
Lã Mông - tác giả của kế sách "áo trắng qua sông" đánh chiếm Kinh Châu, bắt sống Quan Vũ, thực ra chết vì bệnh... dạ dày

Câu hỏi đặt ra là Lã Mông bị bệnh gì mà chết? Trong tập biên khảo "Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện", học giả Trần Văn Đức viết rằng, Lã Mông đã bị viêm loét dạ dày giai đoạn cuối, đơn giản là không thể chữa trị.

 

Việc Lã Mông trình kế sách vờ cáo ốm xin Tôn Quyền cho về Kiến Nghiệp dưỡng bệnh đầu 219 để khiến Quan Vũ chủ quan mặt Đông, qua đó dễ dàng triển khai sách lược chiếm Kinh Châu sau này, thực ra một phần cũng bởi ông… bệnh thật.

Lã Mông vốn sức khỏe sa sút từ nhiều năm trước, thường làm việc quên mình, lại thêm có tật thích uống rượu nên bị bệnh tỳ vị (gan, dạ dày) khá nghiêm trọng. Trong chiến dịch chiếm Kinh Châu, Lã Mông chắc chắn phải lao tâm khổ tứ bởi thế bệnh cũ tái phát, thường xuyên bị thổ huyết. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của ông sau đại thắng Kinh Châu, dĩ nhiên chẳng hề liên quan tới chuyện "Quan Công hiển thánh", mà là do xuất huyết dạ dày.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm