Khám phá

Tản mạn từ huyền tích Ðá Bia

Thời xưa Đá Bia được cư dân trong vùng ví như ngọn núi thiêng, còn các nhà hàng hải người Pháp gọi là “Ngón tay Chúa”, vì từ ngoài biển nhìn vào tựa như một ngón tay chỉ thẳng lên trời. Ngón tay đó là dấu mốc định hướng cho tàu thuyền hướng mũi lái vào bến Đại Lãnh, Vũng Rô.

Phi tần nhà Nguyễn được nhận lương bổng thế nào? / Cung An Định hơn 100 năm tuổi và vẻ đẹp cổ kính Á - Âu đậm nét

Ðèo Cả nằm trên huyết mạch giao thông xuyên Việt nối liền hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa là một cảnh quan hùng vĩ với những cung đường uốn lượn quanh co trên lưng dãy núi Trường Sơn chồm mình vươn ra phía biển. Từ đỉnh đèo nhìn xuống phía đông là vịnh biển Vũng Rô.

Nhìn lên đỉnh núi là một khối đá khổng lồ sững sững uy nghiêm vươn lên bầu trời. Ðó là Ðá Bia, còn có tên gọi Thạch Bi Sơn - một biểu tượng của Phú Yên gắn với nhiều huyền tích từ thuở cha ông mở nước và là danh thắng quốc gia độc nhất vô nhị.

1- Đá Bia nằm ở độ cao 706m, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, Đó là một khối đá cao 76m vươn thẳng lên bầu trời. Tương truyền cách đây 545 năm, trong hành trình mở nước về cõi bờ Nam, vị minh quân Lê Thánh Tông sai lính khắc chữ trên Đá Bia vào mùa xuân năm Tân Mão – 1471 để đánh dấu ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành bấy giờ.

Thời xưa Đá Bia được cư dân trong vùng ví như ngọn núi thiêng, còn các nhà hàng hải người Pháp gọi là “Ngón tay Chúa”, vì từ ngoài biển nhìn vào tựa như một ngón tay chỉ thẳng lên trời. Ngón tay đó là dấu mốc định hướng cho tàu thuyền hướng mũi lái vào bến Đại Lãnh, Vũng Rô.

Năm 1890, Varella - một sĩ quan hải quân Pháp xây dựng hải đăng mũi Điện ở phía đông Đá Bia. Nơi ấy là một trong hai điểm đất liền Việt Nam đón bình minh sớm nhất. Trước đó vào năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào tuyên đỉnh – một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội kinh thành Huế.

Cận cảnh Ðá Bia Bến Vũng Rô hôm nay.

Khi qua đèo Cả giữa thế kỷ 19, quan đại thần triều Nguyễn Phan Thanh Giản nhìn lên Đá Bia tưởng nhớ vua Lê Thánh Tông, ông viết bài thơ chữ Hán, được dịch nghĩa :

“Mảnh đá đầu non dựng/Tầng cao ngất một phương/Chia bờ nêu cột Hán/Đuổi giặc trú xe Đường/ Chữ triện mây lu nét/ Công thần sử dọi gương/Chạm bia người đã vắng/Lữ khách chạnh lòng thương”.

Cố thi sĩ Hữu Loan có mặt trong đoàn quân Nam tiến cách đây gần 70 năm, để lại bài thơ “Đèo Cả” nổi tiếng trong đời thơ của ông và được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 : “Đèo Cả ! Đèo Cả !/ Núi cao ngất/Mây trời Ai Lao/Sầu đại dương….Những người đi Nam tiến/Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương/Tóc tai trùm vai rộng/Không nhận ra người làng/Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường/Ngày thâu vượn hót/Đêm canh gặp hùm lang thang…”.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Đèo Cả là “lá chắn thép” chặn đường tiến quân của giặc Pháp từ Nha Trang ra phía Bắc đánh chiếm Phú Yên trong những ngày đầu, tạo nên vùng tự do Liên khu 5 và cũng là hậu phương cho Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

Đến thời chống Mỹ, bến Vũng Rô dưới chân Đá Bia là điểm đến của 3 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Nam Trung bộ - Tây Nguyên do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy và đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2011.

 

Đến đêm 15/2/1965, chuyến tàu không số thứ 4 có số hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy cùng 17 thủy thủ vận chuyển 63 tấn vũ khí bến Vũng Rô. Sau khi bốc dỡ toàn bộ vũ khí lên bờ, tàu chuẩn bị rời bên trước 3h30’ sáng 16/2/1965 thì hệ thống kéo neo bị hỏng, phải nỗ lực sửa chữa đến 5h sáng mới xong. Thời điểm này ra biển dễ bị lộ nên phải giăng lưới, phủ lá rừng che kín thân tàu tạo thành “mỏm núi” Bãi Chùa.

Giữa buổi sáng hôm đó, tình cờ máy bay địch phát hiện “mỏm núi” nên chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt so với những tấm không ảnh trước đó. Phía địch huy động máy bay bắn rốc két, tên lửa khiến lá ngụy trang bị cháy, tàu 143 lộ diện. Với quyết tâm không để địch chiếm tàu, bộ đội Đại đội K60 địa phương cùng thủy thủ đoàn tàu 143 đã kích hoạt chất nổ đánh chìm tàu và tạo nên “Sự kiện lịch sử ở Vũng Rô”.

2- Để khai thác tiềm năng văn hóa du lịch vùng đất linh thiêng, dự án xây dựng con đường hơn 200 bậc thang lên Đá Bia len lỏi giữa rừng đã được tỉnh Phú Yên xây dựng và đã thu hút nhiều nhóm du khảo, leo núi thể thao chinh phục Đá Bia, du lịch sinh thái tâm linh để thưởng ngoạn thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng và huyền bí, tưởng chừng lạc giữa cõi tiên.

Bên chân Đá Bia nhìn xuống là bức tranh sơn thủy hữu tình với thung lũng xanh màu ruộng lúa, trắng bạc đồng tôm và biển cả mênh mông. Du khách có thể lấy nước suối trong vắt từ khe núi để pha chế, thưởng thức trà xanh tự nhiên mọc trên lưng núi có vị thanh ngọt lạ thường.

Cận cảnh Đá Bia.

Khi lên Đá Bia, không ít du khách đã cố công tìm kiếm dấu tích những dòng chữ năm xưa vua Lê Thánh Tông đã sai người khắc trên mặt đá, mặc dù trước đó đã có nhiều nhà nghiên cứu khoa học lịch sử xã hội tranh luận với nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có thông tin cho rằng không có sự kiện nêu trên.

 

Còn tôi, khi tựa lưng bên vách Đá Bia lắng nghe tiếng gió ngàn ầm ào cứ ngỡ tiếng vó ngựa năm xưa của đoàn quân tiến về phương Nam dưới sự chỉ huy của vị minh quân họ Lê trẻ tuổi tài ba.

Bất chợt tôi cảm nhận niềm tự hào về cha ông một thời đi mở cõi gắn liền với huyền tích về tinh thần dũng cảm của người Đại Việt xưa; tự hào về sự kiện lịch sử những con tàu không số vận chuyển vũ khí cập bến Vũng Rô.

Quần thể thiên nhiên Đá Bia, Bãi Môn – Mũi Điện và “Sự kiện lịch sử tàu không số ở Vũng Rô” đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm