Thị trường

Đà Nẵng có rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn 4 – 5 sao?

DNVN - Theo CBRE Việt Nam, trong giai đoạn 2022 – 2024, các đơn vị quản lý khách sạn 4 – 5 sao tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Đà Nẵng với sự ra mắt hàng loạt thương hiệu mới, nổi tiếng sẽ giúp nâng cao vị thế thị trường khách sạn cao cấp trên địa bàn TP.

Triển lãm điêu khắc “Con giống” đến Đà Nẵng / Tập đoàn Nhật Bản và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng hợp tác phát triển nhân lực

Hàng loạt khách sạn cao cấp sắp ra mắt

Mới đây, trong báo cáo “Tiêu điểm thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng nửa đầu năm 2022”, CBRE Việt Nam ghi nhận du lịch Đà Nẵng đang có sự nhộn nhịp trở lại thị trường khách trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng mạnh kể từ cuối quý I/2022 khi TP này mở cửa lại bầu trời quốc tế từ ngày 27/3. Cùng với đó, lượng khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) từ ngày 21/2 – 21/5 đã tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ.

Khách sạn 5 sao Radisson vừa đi vào hoạt động bên bờ biển Đà Nẵng trong nửa đầu năm 2022

Khách sạn 5 sao Radisson mới đi vào hoạt động bên bờ biển Đà Nẵng trong nửa đầu năm 2022.

Với những khởi sắc đó của du lịch Đà Nẵng, CBRE Việt Nam cho biết 6 tháng qua trên địa bàn có thêm 2 khách sạn (KS) 4 – 5 sao đi vào hoạt động là Radisson (182 phòng) và Mikazuki (294 phòng). Như vậy hiện Đà Nẵng có 81 KS 4 – 5 sao với hơn 15.300 phòng. Dự kiến đến hết năm 2022, Đà Nẵng có thêm 10 KS 4 – 5 sao với gần 2.500 phòng, nâng tổng nguồn cung phòng lên gần 18.000 phòng với 91 dự án.

Cho rằng nguồn cung mới giúp thị trường thêm phần sôi động nhưng CBRE Việt Nam cũng nhận định tình hình hoạt động của khối KS 4 – 5 sao ở Đà Nẵng sẽ chưa thể bật tăng hoàn toàn trở lại mức năm 2019 do diễn biến còn khó lường của dịch COVID-19 trên thế giới có thể gây ảnh hưởng.

Theo đó, nửa đầu năm 2022, giá phòng 4 – 5 sao tại Đà Nẵng là 70 USD/phòng/đêm, công suất phòng ở mức 26,3%. Như vậy giá thuê phòng đang hồi phục và đã tiệm cận gần 70% so với giai đoạn trước dịch, trong khi công suất phòng mới chỉ bằng 42% so với năm 2019. Từ đây, câu hỏi đặt ra, liệu với việc có thêm nhiều KS 4 – 5 sao trong thời gian tới thì Đà Nẵng có rơi vào khủng khoảng thừa phân khúc này hay không?

Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung nhận định Đà Nẵng vẫn là một trong những thị trường nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Do vậy, trong giai đoạn 2022 – 2024, các đơn vị quản lý KS tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây với hàng loạt thương hiệu mới, nổi tiếng sẽ chính thức được ra mắt như Mandarin Oriental, JW Marriott, M Gallery, Le Méridien, Wink Hotels, lyf by The Ascott Limited… Dự kiến đến năm 2024 Đà Nẵng có 99 dự án KS 4 – 5 sao với tổng nguồn cung phòng lên hơn 21.000 phòng.

Cũng theo Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, sự hiện diện nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp sẽ giúp nâng cao vị thế thị trường KS cao cấp tại Đà Nẵng. Giá thuê phòng KS 4 – 5 sao nửa cuối năm 2022 dự báo tăng 30% so với cùng kỳ, chạm mức 79 USD/phòng/đêm. Công suất phòng sẽ đạt 53,2%, tăng 43,5 điểm phần trăm so với năm ngoái. Giá thuê phòng giai đoạn 2021 – 2024 dự báo tăng trung bình hàng năm là 25%/năm và có thể đạt 119 USD/phòng/đêm vào năm 2024. Công suất phòng sẽ hồi phục về mức 63% như trước dịch COVID-19.

So sánh Đà Nẵng với Phukhet (Thái Lan)

Bà Dương Thùy Dung xác nhận sự gia tăng nguồn cung KS 4 – 5 sao tại Đà Nẵng trong vài năm tới có gây ra những quan ngại nhất định cho những người tham gia vào thị trường, bởi họ không chỉ cạnh tranh lẫn nhau trên địa bàn mà còn phải cạnh tranh với các thị trường lân cận, thị trường mới nổi. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng nếu nhìn vào tiềm năng của thị trường thì thực tế nguồn cung KS 4 – 5 sao tại Đà Nẵng vẫn chưa phải là nhiều.

Bà Dương Thùy Dung đưa ra ví dụ so sánh, thị trường Phukhet (Thái Lan) rất tương đồng với thị trường Đà Nẵng về vị trí, sự kết nối đường bay… song chiều dài bờ biển thì Phukhet chỉ bằng 2/3 so với Đà Nẵng. Tuy nhiên theo thống kê đến trước dịch COVID-19 thì Phukhet có hơn 200 KS 4 – 5 sao (chưa kể các KS nhỏ 2 – 3 sao) với sự tham gia của rất nhiều thương hiệu lớn, chẳng hạn thương hiệu Arcor có tới 4 – 5 KS cao cấp tại đây.

Trong khi đó, hiện Đà Nẵng chỉ mới có 81 KS 4 – 5 sao, tức chỉ mới bằng 1/3 của Phuket cách đây 2 năm. Do vậy, bà Dương Thùy Dung cho rằng nhìn vào tiềm năng của thị trường thì rõ ràng Đà Nẵng còn rất nhiều dư địa để phát triển phân khúc KS cao cấp. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là các yếu tố thúc đẩy nguồn cầu, nhất là kết nối đường bay.

Hiện Phukhet có hơn 30 đường bay quốc tế trực tiếp kết nối với các TP khác trên thế giới. Đà Nẵng cũng đang mở rộng thêm nhiều đường bay nhưng đến nay chỉ mới có dưới 10 đường bay quốc tế trực tiếp đang hoạt động. Việc tiếp tục có thêm các đường bay quốc tế trực tiếp trong thời gian đến sẽ giúp thúc đẩy thị trường KS 4 – 5 sao bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình phát triển du lịch mà TP này đang xúc tiến mạnh mẽ.

“Chúng tôi tin với tầm nhìn phát triển của du lịch Đà Nẵng và các yếu tố thúc đẩy thị trường một cách mạnh mẽ thì phân khúc cao cấp 4 – 5 sao trên địa bàn vẫn còn rất nhiều cơ hội để các chủ đầu tư, các nhà điều hành KS, các thương hiệu lớn tiếp tục đến để mở rộng mà không phải quá lo lắng về sự cạnh tranh trên thị trường”, bà Dương Thùy Dung chia sẻ.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm