Chứng khoán

Nhiều công ty chứng khoán lãi đậm

Hoạt động môi giới và tự doanh đều khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do thị trường tăng điểm và doanh nghiệp bớt gánh nặng chi phí dự phòng.

Theo thống kê của PV và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, đến đầu tháng 10, trong số hơn 28 công ty chứng khoán niêm yết trên sàn Hà Nội và TP HCM đã công bố báo cáo tài chính quý III, số lượng doanh nghiệp có lãi tăng mạnh so với quý II.

Cụ thể, năm ngoái, trong số 28 doanh nghiệp trên sàn chỉ có 11 doanh nghiệp có lãi quý III, nhưng năm nay con số này lên tới 18, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng đầu top 5 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ là công ty cổ phần chứng khoán TP HCM (mã CK: HCM) với khoản doanh thu thuần hơn 140 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt 56 tỷ đồng tăng 28,5% với cùng kỳ.

Doanh thu môi giới cũng tăng 55% trong khi hoạt động đầu tư chứng khoán tăng tới 8 lần so với cùng kỳ, đạt lần lượt 44,5 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực tư vấn tạo ra doanh thu gần 14 tỷ đồng, tăng 65 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (mã CK: SSI) mới công bố báo báo tài chính công ty mẹ. Theo đó, doanh thu thuần quý III doanh nghiệp cũng đạt gần 182 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng 554 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý III tăng 3,4 lần so với năm ngoái lên 52,6 tỷ đồng, giúp lãi lũy kế đạt hơn 250 tỷ đồng.

SSI cho biết, lợi nhuận sau thuế tăng 234% so với cùng kỳ năm ngoái là do chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán quý III thấp hơn so cùng kỳ năm trước tới 61%. Đồng thời, thị giá chứng khoán tại ngày 30/9 năm nay cũng lạc quan hơn thời điểm đó hồi năm ngoái.

Ngoài ra, theo báo cáo của SSI, doanh thu đến từ thu nhập khác chiếm khá nhiều 91 tỷ đồng, trong đó, lãi tiền gửi là 75 tỷ đồng, nghiệp vụ ký quỹ 14 tỷ đồng.

Cũng trong quý III, SSI đứng thứ 2 trong top thị phần môi giới sàn TP HCM với tỷ lệ 9,72%. Tại sàn Hà Nội, công ty này xếp vị trí thứ 4, đạt thị phần 6,12%.

Một đơn vị khác cũng ăn nên làm ra trong quý III là Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (mã CK: VND với lợi nhuận sau thuế gần 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lãi lũy kế 9 tháng doanh nghiệp đạt 117 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái mức này chỉ khoảng 70 tỷ đồng. Hiện VNDirect đứng thứ 5 trong danh sách thị phần môi giới quý III do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM công bố mới đây. Đến ngày 30/9, VNDirect có hơn 850 tỷ đồng tiền mặt, tăng trên 30% so với hồi đầu năm.

2 thành viên còn lại trong top 5 là Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (mã CK: BVS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (mã CK: KLS).

Theo báo cáo tài chính quý III của Chứng khoán Bảo việt, công ty này doanh thu đạt 51 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 112,3%, Theo giải trình từ Chứng khoán Bảo Việt, nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng là do doanh thu tăng, đồng thời chi phí được kiểm soát chặt chẽ.

Còn tại Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long, báo cáo quý III cho thấy, doanh thu đạt 39 tỷ, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận cũng đạt 20 tỷ đồng, vượt mạnh so với mức âm 90 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái (âm 91 tỷ đồng). Chứng khoán Kim Long cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng mạnh như vậy chủ yếu nhờ thị trường xanh điểm, công ty được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán trong khi năm ngoái phải trích dự phòng thêm cho danh mục đầu tư.

Trong khi đa phần các đơn vị niêm yết báo lãi, hàng loạt công ty chứng khoán bên ngoài sàn như Woori CBV, An Thành hay Kenaga báo lỗ quý III. Hầu hết các mảng nghiệp vụ cơ bản đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Chứng khoán Woori CBV lỗ hơn 1,6 tỷ đồng, tính chung 9 tháng mức lỗ lên tới 4 tỷ đồng. Chứng khoán An Thành và Kenaga lần lượt lỗ 370 triệu đồng và 930 triệu đồng trong quý III.

Đánh giá về hoạt động chung của các công ty chứng khoán trong thời gian qua, trao đổi với PV, ông Trần Hoàng Sơn – Chuyên gia Chiến lược Thị trường tại Chứng khoán MB nhận định sự phân hóa giữa các công ty chứng khoán ngày một rõ rệt. Thông thường những công ty chứng khoán có quản trị tốt, đội ngũ phân tích và môi giới hoạt động hiệu quả và có ngân hàng mẹ đứng sau thường đạt kết quả kinh doanh khả quan.

“Trong thực tế, một số nghiệp vụ ngân hàng vẫn có thể ‘lách’ qua các công ty chứng khoán, chẳng hạn các thương vụ chuyển nhượng trái phiếu hay giải ngân tín dụng. Như vậy các doanh nghiệp chứng khoán lại được hỗ trợ vốn rất tốt và mạnh về tiềm lực tài chính”, ông Sơn cho biết.

Hơn nữa, một số đơn vị có danh mục tự doanh trước đây rất lớn, mua ở thời điểm giá thấp, thị trường giảm điểm. Nhưng hiện thời, tín hiệu khởi sắc trên thị trường giúp số chứng khoán này tăng điểm, các công ty lại giảm trích lập dự phòng và chuyển sang doanh thu khiến kết quả kinh doanh quý III tốt hơn các quý trước, ông Sơn nói.

Dù vậy, dưới quan điểm của chuyên gia này, tiềm năng cổ phiếu chứng khoán vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ông Sơn cho rằng, thị trường có thể tăng điểm trong năm nay, nhưng mức giá các cổ phiếu chứng khoán vẫn khó có sự bứt phá ngoạn mục.

“Trong trong một rổ cơ hội thì không nên mua cổ phiếu chứng khoán. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều cơ hội khác tốt hơn vì cổ phiếu nhóm này thường biến động theo thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài đa phần lại tập trung vào những cổ phiếu top vốn hóa lớn, dẫn đầu ngành trong khi những tổ chức tài chính ngoại thông thường cũng không mua cổ phiếu trong lĩnh vực này”, ông Sơn phân tích.

Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo