Thị trường

Những chính sách nổi bật được thực thi từ tháng 10/2016

(DNVN) - Hàng loạt các chính sách quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, xã hội... sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Quy định về hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp 

Có hiệu lực từ 1/10, Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) được áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ. EPC phù hợp với các công trình công nghiệp cơ khí, điện, dầu khí, hóa chất, khai khoáng, cấp thoát nước...

Gói thầu EPC được thực hiện theo quy trình gồm 07 bước: Đầu tiên, người quyết định đầu tư hoặc người có thẩm quyền tiến hành phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED); Chủ đầu tư phê duyệt Hồ sơ mời thầu/Hồ sơ yêu cầu; Nhà thầu nộp Hồ sơ dự thầu/Hồ sơ đề xuất; Chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu; Nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; Người có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật, còn đối với thiết kế bản vẽ thi công sẽ do chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền tiến hành phê duyệt. Cuối cùng, nhà thầu sẽ thực hiện hoặc chọn nhà cung cấp thiết bị, xây dựng.

Tàu khách cao tốc vào cảng phải thông báo trước 20 phút 

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 20/2016/TT-BGTVT ngày 20/07/2016 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12/11/2014 quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc .

Theo đó, chậm nhất 20 phút trước khi tàu dự kiến cập vào cảng, bến, thuyền trưởng tàu khách cao tốc phải thông báo cho Cảng vụ hoặc Ban Quản lý bến thời gian tàu sẽ cập cảng, bến, số lượng hành khách, hàng hóa trên tàu; thông báo có thể bằng VHF hoặc thiết bị liên lạc khác.

Để vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định bằng tàu khách cao tốc, tổ chức, cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Giao thông Vận tải hoặc Cảng vụ Hàng hải (đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam) hoặc Chi cục Đường thủy nội địa khu vực hoặc Cảng vụ Hàng hải (đối với tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2016.

Hạn ngạch NK thuốc lá nguyên liệu từ Liên minh Á - Âu là 500 tấn 

Theo Thông tư số 16/2016/TT-BCT ngày 19/8/2016 của Bộ Công Thương, trong năm 2016, áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu lần lượt là 500 tấn và 8.000 tá.

Để được áp dụng hạn ngạch, hàng hoá nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá do cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu cấp (viết tắt là C/O form EAV). Riêng đối với thuốc lá nguyên liệu, thương nhân Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp.

Thủ tục nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm giải quyết tại hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá theo nguyên tắc trừ lùi tự động cho đến hết số lượng hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 05/10/2016 đến hết ngày 31/12/2016.

Từ 2016 - 2020, thí điểm quản lý lao động, tiền lương với Viettel

Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty và công ty do công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là nội dung được quy định tại Nghị định số 121/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các Công ty này thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức, định mức lao động, xác định các vị trí chức danh công việc để đảm bảo tuyển dụng, sử dụng lao động hiệu quả.

Về phân phối tiền lương, Nghị định cho phép thực hiện trích lập quỹ tiền lương dự phòng cho năm sau không vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện của công ty. Thực hiện tạm ứng tiền lương, trả lương đối với người quản lý doanh nghiệp, người lao động theo quy định của pháp luật và quy chế trả lương của công ty.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2016

Tăng mức bồi dưỡng với người tham gia tố tụng cạnh tranh

Đây là nội dung tại Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg ngày 23/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

Theo đó, từ ngày 10/10/2016, mức bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh tại phiên điều trần tăng đáng kể, từ 100.000 đồng/ngày lên 150.000 đồng/ngày với chủ tọa phiên điều trần; từ 50.000 đồng/ngày lên 100.000 đồng/ngày với thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, điều tra viên tham gia phiên điều trần và người giám định được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mời; mức bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày cũng được áp dụng với người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh triệu tập đến phiên điều trần. Với khách mời tham vấn ý kiến liên quan đến vụ việc hạn chế cạnh tranh cũng được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày. Thành viên Hội đồng Cạnh tranh làm việc kiêm nhiệm được bồi dưỡng 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều chính sách bảo vệ, phát triển rừng ven biển

Có hiệu lực từ ngày 10/10/2016, Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/08/2016 của Chính phủ về chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu quy định tổ chức kinh tế đầu tư bảo vệ, phát triển rừng ven biển sẽ được miễn tiền thuê rừng ven biển; thời gian miễn tiền thuê phụ thuộc vào thời điểm thuê rừng; được hưởng toàn bộ sản phẩm từ nguồn vốn tự đầu tư; được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc rừng ven biển; được bồi thường khi Nhà nước có quyết định thu hồi.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 04 triệu đồng/ha trong thời gian 05 năm; kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán…

Ban Quản lý khu kinh tế phải báo cáo công tác bảo vệ môi trường trước 31/12 hàng năm

Ngày 24/08/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo công tác bảo vệ môi trường, quy định Ban Quản lý khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp phải báo cáo công tác bảo vệ môi trường lên Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh trước ngày 31/12 hàng năm.

Nội dung báo cáo bao gồm: Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường như tổng diện tích đất, mặt nước, cây xanh, tỷ lệ lấp đầy, chất lượng môi trường, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; Tình hình và kết quả công tác bảo vệ môi trường; Khó khăn, vướng mắc, đề xuất và kiến nghị.

Đối với cơ quan Nhà nước, UBND các cấp báo cáo công tác bảo vệ môi trường trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và UBND cấp trên. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội trước ngày 31/1 hàng năm.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2016.

Kiểm toán viên Nhà nước không được lợi dụng danh nghĩa để nhận tiền

Kiểm toán viên Nhà nước không được lợi dụng danh nghĩa Kiểm toán Nhà nước để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc tinh thần nhằm vụ lợi; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; không được dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán vì nhu cầu cá nhân... là nội dung được quy định tại Quyết định số 04/2016/QĐ-KTNN ngày 29/08/2016 của Kiểm toán Nhà nước.

Quyết định cũng quy định rõ kiểm toán viên Nhà nước chỉ được cung cấp những thông tin, tài liệu về kiểm toán với các cơ quan, tổ chức liên quan một cách trung thực, đúng đắn khi có kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà nước và được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước giao theo quy định; không cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước hoặc những thông tin chưa được phép công bố;...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2016.

Cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử

Theo Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/08/2016 kèm theo Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg, thông tin tờ khai hải quan điện tử sẽ được Cổng thông tin hải quan phản hồi cho bên sử dụng thông tin trong thời gian không quá 01 phút kể từ khi nhận được yêu cầu.

Để sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, bên sử dụng phải phân công đầu mối đăng ký sử dụng và thông báo cho Tổng cục Hải quan bằng văn bản. Tài khoản có thời hạn sử dụng trong 24 tháng. Trường hợp phát hiện sử dụng thông tin tờ khai hải quan không đúng nguyên tắc quy định hoặc tài khoản hoặc số điện thoại di động không thực hiện tra cứu thông tin trong 06 tháng, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu hồi tài khoản hoặc thu hồi hiệu lực sử dụng hình thức nhắn tin của số điện thoại di động.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016.

Quy định về các dịch vụ bưu chính công ích

Thông tư số 20/2016/TT-BTTTT ban hành ngày 31/08/2016 hướng dẫn chi tiết về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí quy định rõ: Dịch vụ bưu chính công ích  là dịch vụ cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, bao gồm: Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ thư cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg; Dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ đặc thù khác.

Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí là dịch vụ phát hành các loại báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo của Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua mạng bưu chính công cộng.

Hai dịch vụ trên được cung ứng theo chất lượng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí và giá cước dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016.

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Bộ

Ngày 01/09/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ được thực hiện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Hoạt động của Bộ phải được công khai, minh bạch, hiện đại hóa; đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Cơ cấu tổ chức của Bộ vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành, bao gồm: Vụ; Văn phòng; Thanh tra; Cục (nếu có); Tổng cục (nếu có) và đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2016.

Nguyên tắc giám sát Nhà máy In tiền Quốc gia

Theo Thông tư số 26/2016/TT-NHNN ngày 12/09/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nội dung giám sát  Nhà máy in tiền Quốc gia tập trung chủ yếu vào giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Nhà máy; giám sát bảo toàn và phát triển vốn của Nhà máy; giám sát hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng tại Nhà máy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan…

Thông tư cũng nhấn mạnh, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra Nhà máy In tiền Quốc gia phải tuân theo các quy định của pháp luật và bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, không làm cản trở hoạt động bình thường của Nhà máy; không trùng lặp giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2016.

Tăng mức trợ cấp thêm 150.000 đồng/tháng với quân nhân đã phục viên

Mức trợ cấp đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc sẽ được tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng, lên tối đa 1,812 triệu đồng/người/tháng là nội dung được quy định tại Thông tư số 130/2016/TT-BQP ngày 10/09/2016 của Bộ Quốc phòng.

Trong đó, mức trợ cấp hàng tháng cao nhất 1,812 triệu đồng/tháng áp dụng với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, đã công tác trong quân đội từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm và từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp hàng tháng sau điều chỉnh lần lượt là 1,743 triệu đồng/tháng; 1,674 triệu đồng/tháng; 1,605 triệu đồng/tháng và 1,535 triệu đồng/tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2016, được áp dụng từ ngày 01/01/2016.

Ảnh minh họa.

Cấm nhập khẩu một số vật liệu amiăng

Ngày 09/09/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BTC về việc công bố danh mục và mã số HS vật liệu amiăng thuộc nhóm amfibole cấm nhập khẩu.

Theo Thông tư, các vật liệu amiăng bị cấm nhập khẩu bao gồm: Crrocidolite (amiăng xanh) dạng sợi, màu xanh, có mã HS 2524.10.00; Amosite (amiăng nâu); Anthophilite; Tremolite và amiăng thô ở dạng, sợi thô, sợi đã được đập nhỏ, hạt mỏng, bột hay amiăng phế liệu thuộc mã HS 2524.10.00, 2524.90.00.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2016

Các công trình phải xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: Công trình khai thác nước mặt với quy mô trên 100 m3/ngày đêm; Công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10 m3/ngày đêm.

 

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn nước dưới đất và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Những nội dung trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Thông tư 24/2016/TT-BTNMT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2016.

Bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo Nghị định số 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngoài người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định, từ ngày 30/10/2016, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện cũng sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/10/2016.

 

Bãi bỏ Quyết định 67/2011/QĐ-TTg về hoạt động đối ngoại của UBND tỉnh

Ngày 16/09/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 39/2016/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 67/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 về ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 31/10/2016.

Quyết định số 67/2011/QĐ-TTg quy định về nội dung của hoạt động đối ngoại của UBND cấp tỉnh, cụ thể như: Tổ chức và quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài và đón tiếp các đoàn nước ngoài vào Việt Nam; Tiếp nhận các hình thức khen thưởng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng; Kiến nghị tặng, xét tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, cấp tỉnh cho những tập thể, cá nhân người nước ngoài đã và đang làm việc tại địa phương có thành tích xuất sắc được địa phương công nhận; Thông tin tuyên truyền đối ngoại và quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài tại địa phương; Quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân nước ngoài ở địa phương…

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo