Góc nhìn

Điện Biên: Kế sinh nhai của người muốn hoàn lương đang bị "phong tỏa"?

DNVN - Tại Điện Biên, hai cơ quan Viện Kiểm sát và Thi hành án dân sự có quan điểm trái ngược nhau đối với một trường hợp người được đặc xá tha tù bị phong tỏa tài sản, nhằm thu hồi tiền lãi suất chậm thi hành án. Mỗi cơ quan kết luận một kiểu, khiến cho người muốn hoàn lương loay hoay, mắc kẹt không biết phải thực hiện thế nào cho đúng pháp luật.

Điện Biên: Cơ quan Thi hành án làm việc kiểu "lãi mẹ đẻ lãi con", đóng cửa với người muốn hoàn lương (?) / Điện Biên: Viện Kiểm sát yêu cầu hủy một quyết định thi hành án vi phạm pháp luật

Mới đây Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên lập biên bản yêu cầu chị Trần Thị Hà (phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ) phải thực hiện nộp số tiền lãi suất chậm thi hành án trong thời gian chị ở tù là hơn 80 triệu đồng. Cùng với việc yêu cầu phải nộp tiền thi hành án, ngày 23/6/2020, cơ quan thi hành án ra thông báo sẽ làm thủ tục kê biên, cưỡng chế đối với tài sản là mảnh đất tái định cư của vợ chồng chị (được cấp sau khi ra tù) để thu hồi khoản tiền nói trên. Mảnh đất này đã bị cơ quan thi hành án ra quyết định phong tỏa từ hai năm nay theo Quyết định số 13/QĐ-CTHADS ngày 20/06/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên (Quyết định 13)

Nhưng liên quan đến Quyết định 13, vào tháng 2/2020, sau khi tiến hành kiểm sát việc thi hành án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã yêu cầu cơ quan thi hành án hủy bỏ Quyết định 13 vì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên đã không thực hiện việc thu hồi, hủy bỏ văn bản ban hành trái luật như yêu cầu của Viện Kiểm sát, mà vẫn tiếp tục thực hiện thi hành án.

Hai năm nay, mảnh đất tái định cư được cấp sau khi ra tù của vợ chồng chị Hà vẫn là mảnh đất bỏ hoang, không được phép sử dụng, không thể làm nhà ở, cho thuê hay kinh doanh buôn bán được. Kế sinh nhai duy nhất của người ra tù muốn hoàn lương vẫn đang bị "phong tỏa" và có nguy cơ bị kê biên, cưỡng chế.

Mâu thuẫn lớn nhất của vụ việc này nằm ở chỗ: Hai cơ quan Thi hành án và Viện Kiểm sát ở Điện Biên đang có quan điểm trái ngược nhau, đối với việc Trần Thị Hà có phải thực hiện nộp khoản tiền lãi suất chậm thi hành án hay không?

Việc hai cơ quan pháp luật đưa ra hai quan điểm "vênh nhau" khiến cho người muốn hoàn lương sau khi ra tù đang ở thế bị "mắc kẹt" giữa hai biện pháp thi hành pháp luật không nhất quán, hai quan điểm trái ngược nhau của hai Viện Kiểm sát và Thi hành án tỉnh Điện Biên. Chị Hà là người trở về địa phương sau khi thụ án tù 16 năm và được Chủ tịch Nước đặc xá tha tù.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, chị Hà cho biết, sở dĩ chị còn chần chừ trong việc thi hành án số tiền 80 triệu đồng là do chưa biết thực thi pháp luật thế nào trong bối cảnh quyết định thi hành án bị Viện kiểm sát yêu cầu hủy (?)

"Hiện nay tôi rất hoang mang, lo lắng bởi vì tôi không biết nên tiếp tục chờ đợi để nhận được quyết định hủy bỏ, thu hồi văn bản trái luật (theo văn bản của Viện Kiểm sát ban hành). Hay là tôi chấp nhận vay mượn tiền, nộp tiền thi hành án để tránh việc bị cưỡng chế tài sản. Nếu như tôi nộp tiền thi hành án, thì căn cứ theo văn bản của Viện Kiểm sát, liệu rằng tôi có bị oan sai hay không?", chị Trần Thị Hà thắc mắc.

Theo biên bản lập ngày 23/6/2020, cơ quan thi hành án dân sự Điện Biên nêu rõ: “Nếu ông Biên, bà Hà không tự nguyện thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ áp dụng biện pháp kê biên, cưỡng chế đối với diện tích đất tại tổ dân phố 4 khu đô thị Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên để đảm bảo cho việc thi hành án”. Hiện nay Trần Thị Hà còn phải thi hành án hơn 80 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 26/6/2020, Chấp hành viên tiếp tục ra Thông báo về việc xác minh tài sản, quyền sở hữu tài sản là mảnh đất của vợ chồng Hà - Biên, đây là một thủ tục trong quy trình kê biên, cưỡng chế tài sản của Hà nhằm thu hồi số tiền 80 triệu đồng nợ nói trên.

Số tiền 80 triệu đồng không hề nhỏ đối với một người mới ra tù, đang đi làm thuê với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng, có cuộc sống chật vật, bấp bênh. Nhất là ngay tại thời điểm mà dịch bệnh Covid-19 còn đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người dân. Hàng triệu người lao động trình độ thấp đang bị thất nghiệp và chị Hà cũng nằm trong số lao động thất nghiệp đó kể từ khi Covid-19 bùng phát. 5 năm từ ngày trở về nhà đến nay, con đường hoàn lương đối với chị Hà không hề dễ dàng, đến nay chị vẫn chưa thể có được một giấc ngủ ngon, một cuộc sống thanh thản vì khoản nợ lãi suất chậm thi hành án vẫn treo lơ lửng trên đầu.


Yêu cầu hủy bỏ quyết định thi hành án trái pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên.

Yêu cầu hủy bỏ quyết định thi hành án trái pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên liên quan tới khoản lãi suất chậm thi hành án của Trần Thị Hà.

Mảnh đất bị ra Quyết định phong tỏa trái pháp luật (theo kết luận kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên).

Mảnh đất bị ra Quyết định phong tỏa từ 2 năm nay do liên quan đến số tiền lãi suất chậm thi hành án của vợ chồng Biên - Hà.

Vụ việc người hoàn lương sau khi về nhà, đã bị treo một khoản nợ lớn là số tiền lãi suất chậm thi hành án trong 16 năm ở tù đã được Doanh nghiệp Việt Nam phản ánh trong bài: Điện Biên: Cơ quan Thi hành án làm việc kiểu "lãi mẹ đẻ lãi con", đóng cửa với người muốn hoàn lương (?)” ngày 14/8/2019.

Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam có bài phản ánh, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên vào cuộc, xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc. Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã chính thức kết luận "Quyết định số 13/QĐ-CTHADS ngày 20/06/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên là vi phạm pháp luật, yêu cầu phải thu hồi".

Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong bài viết:Thi hành án Điện Biên phong tỏa tài sản trái luật: Người bị oan có quyền yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự của Chấp hành viênngày 2/3/2020.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm