Thị trường

Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam – Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN

(DNVN) - Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế tư nhân Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ và được phát huy vai trò to lớn như hiện nay.

“Nhà nước kiến tạo là nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ kinh doanh có nhu cầu phát triển thành doanh nghiệp để mang lại lợi ích lớn hơn trong kinh doanh”.

“Nhà nước sẽ là bà đỡ mát tay làm cho quá trình chuyển đổi này được đơn giản, nhẹ nhàng với chất lượng, hiệu quả và tính bền vững cao.”

Đây là những nhận định, đánh giá của ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII trong cuộc trả lời PV DNHN:

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII.

Chúng ta sẽ lấy dấu mốc từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XII được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ V,  rồi đến Nghị quyết 19/NQ-CP, 35/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 26 ngày 06/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ sau đó là đến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2017, khi tổng hợp khái quát lại các văn bản nêu trên thì Ông, nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII, có nhận diện được đây là sự tập trung cao độ của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, thưa Ông?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vị trí, vai trò không thể thiếu của thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.

Trong hơn 30 năm qua, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Đến nay, kinh tế tư nhân chiếm  tỉ trọng 39-40 % GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, tiếp sau đó là các Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ V đã khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển, như: Hiến pháp mới (năm 2013), Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư (năm 2014), Luật Hỗ trợ DNNVV (năm 2017), các NQ của Chính phủ (NQ số 19, số 35) và gần đây nhất là chỉ thị số 26 ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Một điều đặc biệt cần nhấn mạnh đó là các NQ của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước đề cập các mô hình kinh doanh đa dạng thuộc thành phần kinh tế tư nhân với các quy mô khác nhau, bao gồm: hộ kinh doanh (hộ gia đình), doanh nghiệp nhỏ và vừa và tập đoàn kinh tế tư nhân.

Sự đánh giá, sự quan tâm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với kinh tế tư nhân là hoàn toàn đúng đắn. Thực tiễn đã chứng minh, nói đến kinh tế thị trường là trước hết nói đến kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân có vị thế cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể (HTX) đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế quốc dân. Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế tư nhân Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ và được phát huy vai trò to lớn của mình như hiện nay.

Bộ luật dân sự mới (năm 2015) quy định các chủ thể của quan hệ dân sự chỉ có thể là pháp nhân hoặc thể nhân. Quy định này có ảnh hưởng gì đến các hộ kinh doanh là hộ gia đình– một mô hình của kinh tế tư nhân. Ông có thể làm rõ thêm vấn đề này?

 

Ông Nguyễn Văn Phúc: Đúng là Bộ Luật dân sự 2015 quy định chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân (tổ chức), ngoài chủ thể đặc biệt là Nhà nước. Bộ Luật này cũng quy định về hộ gia đình trong quan hệ dân sự. Trước hết, hộ gia đình không có tư cách pháp nhân như một tổ chức. Trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Về nguyên tắc, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình được bảo đảm bằng tài sản chung của các thành viên của hộ gia đình. Do không phải là pháp nhân, không được áp dụng nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn là một lợi thế của công ty trách nhiệm hữu hạn. Các thành viên của hộ gia đình phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình trong kinh doanh. Có trường hợp, thành viên có nghĩa vụ liên đới đối với các thành viên khác của hộ. Và nếu so với pháp nhân là Công ty TNHH  thì trong kinh doanh, hộ gia đình sẽ kém lợi thế, không phải là sự lựa chọn tối ưu của các đối tác trong nền kinh tế thị trường hiện tại và hội nhập quốc tế.

Thưa ông để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 26/TTg để nối tiếp, để đưa thêm giải pháp để đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Một trong những giải pháp đó là hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Điều chúng ta cần nói ở đây có phải thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để các hộ kinh doanh từ trước đến nay không muốn lớn, cụ thể là không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Phúc : Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng kí thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Luật doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định như vậy. Trước Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 26/TTg thì các hộ kinh doanh có đủ điều kiện vẫn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Có thể nói, đó là quá trình chuyển đổi chủ yếu mang tính tự phát, mặc dù ở một số địa phương cũng có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay còn rất hạn chế. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2017 tại TP. HCM có 20.000 doanh nghiệp được thành lập mới nhưng chỉ có 750 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tỉ lệ quá thấp, không như kì vọng. Hộ kinh doanh chỉ chuyển thành doanh nghiệp khi họ thấy được lợi thế và lợi ích của việc chuyển đổi.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy phải có Đề án bài bản, đề ra được một hệ thống giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Nói Nhà nước kiến tạo, là kiến tạo chỗ này đây. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ kinh doanh có nhu cầu phát triển thành doanh nghiệp để có lợi thế hơn và mang lại lợi ích lớn hơn trong kinh doanh. Nhà nước phải là bà đỡ mát tay làm cho quá trình chuyển đổi này được đơn giản, nhẹ nhàng với chất lượng, hiệu quả và tính bền vững cao. Hiện nay theo con số thống kê, chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, nhiều hộ có quy mô lớn, có điều kiện nhưng họ ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp do thủ tục hành chính phức tạp, chi phí quản trị doanh nghiệp cao, do chưa được miễn giảm thuế, phí,... nhìn chung chưa thấy được lợi ích lớn hơn so với kinh doanh theo hình thức hộ.

 

Vậy thưa Ông hiện nay chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước cần được tiếp tục cụ thể hóa như thế nào để hỗ trợ chuyển đổi có hiệu quả các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Cùng với các giải pháp về thể chế, chính sách chung, có thể nêu 4 nhóm giải pháp hỗ trợ cụ thể như sau:

Một là, giải pháp về truyền thông. Cần hỗ trợ thay đổi, nâng cao nhận thức của hộ kinh doanh để họ thấy được lợi thế và lợi ích khi trở thành doanh nghiệp. Từ đó các hộ sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp một cách tự nguyện.

Hai là, hỗ trợ tiếp cận thông tin, tư vấn pháp luật, đào tạo nhân lực quản lí, điều hành.

Ba là, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, đăng kí kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng, địa điểm, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.

 

Bốn là, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn, giảm thiểu tối đa thủ tục về thuế, áp dụng chế độ kế toán đơn giản.

Để thực hiện thành công việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong cả nước thì các giải pháp hỗ trợ này phải được cụ thể hóa một cách đồng bộ, có hệ thống trong  Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, biến thành Chương trình hành động quốc gia. Cùng với đó là công tác tổ chức thực hiện tạo lập các cơ chế, thiết chế và công cụ hỗ trợ hữu hiệu.

Xây dựng Đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia thực hiện. Vậy đây có phải là sự đánh giá và là cách làm mới, đột phá của một Chính phủ kiến tạo không thưa Ông?

Ông Nguyễn Văn Phúc : Tôi thấy việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong toàn quốc tham gia xây dựng Đề án này là rất phù hợp. Đây cũng là điểm thể hiện sự tin tưởng của Thủ tướng đối với Hiệp hội và cho thấy một Chính phủ kiến tạo theo nghĩa việc gì các tổ chức xã hội, các Hiệp hội doanh nghiệp làm được thì nên khuyến khích các tổ chức đó làm. Hiệp hội DNNVV VN có trách nhiệm phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó, có trách nhiệm kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Đồng thời, Hiệp hội cũng có trách nhiệm tham gia hỗ trợ việc chuyển đổi này. Tôi có theo dõi phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Quốc hội và tại Hội nghị gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp năm 2017. Qua đó tôi thấy quyết tâm, trách nhiệm cao của Hiệp hội và của Chủ tịch Hiệp hội. Đương nhiên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì quản lý nhà nước về phát triển DN nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan khác của Chính phủ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề khác trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Đề án một cách hiệu quả. Tôi tin rằng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là một tổ chức - xã hội nghề nghiệp thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sẽ tham gia xây dựng và thực hiện sẽ thành công Đề án theo Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Xin chân thành cảm ơn ông !

Nên đọc
Lan Hương (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo