Kinh doanh

Ngành đường sắt đang trải qua giai đoạn thử thách lớn trong lịch sử hơn 100 năm

DNVN - Thông tin được ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh với VNR chiều 14/9.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam phấn đấu lợi nhuận 158 tỷ đồng trong năm 2018 / Lợi nhuận của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm mạnh

Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư của Tổng công ty trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 đã tác động rất lớn đến hoạt động vận tải.

Tính từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ; sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội nhưng chưa công bố hết dịch thì tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt khoảng 56%.

Buổi làm việc giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)

Buổi làm việc giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - ảnh: CMSC.

VNR đã chủ động triển khai các giải pháp thực hiện để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như cắt, giảm chi phí thường xuyên trong năm kế hoạch; hoãn, giãn, tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020; cũng như triển khai các giải pháp về lao động, tiền lương.

Theo VNR, dự kiến kết quả sản xuất,kinh doanh 8 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty mẹ đạt 1.164,7 tỷ đồng bằng 72,5% so với cùng kỳ và đạt 55,5% kế hoạch năm. Doanh thu dự kiến của Tổng công ty hợp nhất đạt 4.088,5 tỷ đồng bằng 77,8% so với cùng kỳ và bằng 64,4% kế hoạch năm.

“Tổng công tyđường sắt có những khó khăn nội tại, tồn tại trong nhiều năm, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 làm cho Tổng công ty càng lao đao.Ngành đường sắtđang trải qua giai đoạn thử thách lớn trong lịch sử hơn 100 nămhình thành và phát triển”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nhấn mạnh.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, phát biểu - ảnh; CMSC.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, phát biểu - ảnh; CMSC.

Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho biết, hiện nay, đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên chưa xác định được chủ thể giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng hay cơ quan được giao quản lý tài sản) dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và kết nối với trục liên thông điện tử của Ủy ban, VNR đã tổ chức chạy thử nghiệm phần mềm và đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho toàn thể cán bộ công nhân viên Cơ quan Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Đánh giá quá trình chạy thử nghiệm và chính thức triển khai áp dụng phần mềm văn phòng điện tử mới và ứng dụng chữ ký số cho Tổng công ty dự kiến từ ngày 1/10/2020.

Ông Mạnh đề nghị Ủy ban xem xét quan tâm báo cáo Thủ tướng, có ý kiến đối với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các biện pháp hỗ trợ cũng như miễn, giảm thuế, phí đối với các ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty để giúp các doanh nghiệp vận tải đường sắt giảm áp lực chi phí, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo VNR đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung danh mục kết cấu hạ tầng đường sắt giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào đề án để Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư VNR trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác, kinh doanh theo 2 hình thức:

Phần tài sản gồm cầu, hầm, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu,... giao cho Tổng công ty quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định; Phần tài sản còn lại gồm toàn bộ nhà ga, kho hàng, bãi hàng, toàn bộ tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát giao cho Tổng công ty theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về những khó khăn của VNR, theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh là xuất phát từ những tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách và quy định của pháp luật chứ không phải vấn đề liên quan tới công tác phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty.

Đối với các đề xuất của Tổng công ty, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết Ủy ban đã dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty đối với 3 nội dung: miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; miễn trích nộp Ngân sách Nhà nước 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2020; đánh giá, xem xét việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe.

Đức Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo