Góc nhìn

TS Lê Đăng Doanh:‘Không để công ty TQ kiểm soát thị trường'

TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cho biết, việc các nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông lớn của các công ty trong nước phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc các nhà đầu tư Trung Quốc trở thành cổ đông lớn tiềm ẩn những mối nguy hại cho nền kinh tế.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính, để cải thiện tình hình đó một số doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa sở hữu, bán một phần vốn cho doanh nghiệp nước ngoài và đây là việc làm thích hợp trong bối cảnh nền kinh tế, tốt hơn việc đi vay vốn.

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc bán cổ phần như vậy sẽ thu hút được cổ đông chiến lược là những người có vốn, có công nghệ, có thị trường, điều này cũng phù hợp với xu của thế giới, xu thế toàn cầu hóa
 
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cảnh báo, điều đáng suy nghĩ là trong số các nhà đầu tư, các công ty nước ngoài tham gia mua lại cổ phần các doanh nghiệp trong nước, số lượng các công ty Trung Quốc nhảy vào mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam ngày một nhiều. Sau một thời gian công ty sẽ biến thành công ty Trung Quốc, không còn là công ty Việt Nam nếu như họ mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị.
 
TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương
 
“Lúc này, tên gọi có thể vẫn là tên Việt Nam nhưng ruột lại là của công ty Trung Quốc. Đây là điều đáng chú ý vì chúng ta là nước láng giềng với Trung Quốc nếu để công ty Trung Quốc thao túng rất có thể thành công cụ cho một chính sách để gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát thị trường ở nước ta”, TS Lê Đăng Doanh nói.
 
Ông đề xuất, các doanh nghiệp trong nước nên tìm cách bán cổ phần cho các công ty trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... là những nước mà không có ý đồ chiến lược nhằm kiểm soát thị trường ở Việt Nam.
 
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, bản thân doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi có nhu cầu muốn chọn đối tác là những nhà đầu tư nước ngoài, phải chọn đối tác chiến lược và bản thân phải phấn đấu để giữ vị trí của mình, không được để tình trạng họ ngồi vào đấy họ trên tài mình, họ am hiểu hơn mình thì cả khi mình giữ được nhiều số vốn nhưng tiếng nói lại là tiếng nói của họ.
 
Vừa qua, Công ty TNHH Firstland Hong Kong (Trung Quốc) đã mua hơn 4,25 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, số cổ phiếu mua vào đúng bằng số cổ phiếu mà Vietnam Airlines đã đăng ký thoái vốn.
 
Gaoling - một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Vinacafe Biên Hòa
 
Trước đó, cuối tháng 12/2013, Gaoling - một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã chi 40 triệu USD để mua 6,2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Vinacafe Biên Hòa. Quỹ Gaoling do Hillhouse - một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh quản lý. Năm 2012, quỹ này lọt vào top 10 quỹ phòng hộ lớn nhất châu Á do Credit Suisse bình chọn.
 
Sau thương vụ trên, 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) với 53,2%, tiếp đến là Gaoling (23,3%) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (12,8%).
 
Ngoài các nhà đầu tư Trung Quốc kể trên, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... cũng tham gia sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, thậm chí với ngành thủy sản chủ các doanh nghiệp còn chủ động ráo riết tìm các nhà đầu tư ngoại.
 
Đầu năm 2012, công ty Ezaki Glico (Nhật Bản) đã mua 14 triệu cổ phiếu của Công ty Kinh Đô (KDC) tương đương 10% vốn. Sang đến đầu năm 2014, cổ đông lớn đến từ Nhật Bản này lại quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Kinh Đô xuống còn 5,05% vốn.
 
Với công ty thủy sản Hùng Vương, mặc dù tăng trưởng ổn định song vừa qua, nhưng công ty lại bắt đầu có động thái tìm nhà đầu tư ngoại. Theo thông tin trên tờ Nhịp cầu đầu tư, Hùng Vương đang chuẩn bị phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Singapore với giá thấp nhất là 30.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo