Tin tức - Sự kiện

Vì sao ‘tư lệnh ngành’ ngân hàng, y tế không trả lời chất vấn?

Vì sao trong danh sách 4 Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp kỳ họp này không có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Y tế?

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí chiều 10/11 (Ảnh HL)

Trả lời phỏng vấn báo chí chiều ngày 10/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông báo danh sách 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội này gồm: Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Nội Vụ, Bộ trưởng Lao Động Thương binh Xã hội và Bộ trưởng Giao thông Vận Tải.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc chọn ra 4 vị Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn lần này căn cứ trên số lượng các câu hỏi mà ĐBQH gửi về cho Bộ nào nhiều nhất sẽ lựa chọn Bộ trưởng ngành đó.

- Thưa ông, giáo dục và y tế đang là hai lĩnh vực rất “nóng”, cử tri đang rất quan tâm, mong muốn được chất vấn các Bộ trưởng ngành tại kỳ họp này. Tuy nhiên, vì sao trong danh sách lại vắng mặt hai Bộ trưởng Y tế và Giáo dục?

Đối với Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo thì Quốc hội đã chất vấn tại kỳ họp thứ 7 vừa rồi. Trong quá trình từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ hop thứ 8 này thì Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo còn cần quá trình, thời gian để tập trung tìm các giải pháp, thực hiện các kết luận chất vấn của quốc hội. Cần có thêm thời gian.

Còn Bộ trưởng Y tế thì cũng có những giải trình tại kỳ họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi, phiên đó thì có tổ chức cho tất cả các ĐBQH, ở tất cả các đầu cầu để trả lời chất vấn. Các câu hỏi chất vấn cũng nhiều rồi. Từ đó đến nay cũng chỉ được mấy tháng thôi.

Vừa rồi, qua phiếu thăm dò ý kiến của các ĐBQH gửi về thì các câu hỏi liên quan đến Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo không nhiều như các Bộ trưởng khác nên chúng tôi không lựa chọn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chất vấn của các ĐBQH gửi về thì chúng tôi chọn từ cao xuống thấp, xin ý kiến của các ĐBQH. Kết quả chọn 4 vị Bộ trưởng trên cơ sở các ĐBQH đã chọn.

- Vậy còn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - lĩnh vực cũng đang rất nóng bỏng với vấn đề nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng và cử tri cũng rất quan tâm nhưng kỳ này vì sao cũng vắng bóng trong phiên chất vấn? Các ĐBQH có đặt nhiều câu hỏi cho tư lệnh ngành ngân hàng không, thưa ông?

Có, một số đại biểu có gửi những câu hỏi liên quan đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì vừa mới trả lời chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho nên những ý kiến liên quan đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần này thì cũng không nhiều như các Bộ trưởng khác.

Như trên tôi đã nói, chúng tôi lựa chọn Bộ trưởng trên cơ sở phiếu thăm dò, lấy từ trên cao xuống thấp…

- Nhiều ý kiến cho rằng, phần chất vấn và trả lời chất vấn nên ưu tiên làm trước khi thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Việc lấy phiếu tín nhiệm là việc đánh giá nhìn từ kỳ lấy phiếu trước cho đến kỳ lấy phiếu này. Với danh sách 50 các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trong đó có các thành viên của Chính phủ, nếu lấy phiếu tín nhiệm sau khi khi chất vấn và trả lời chất vấn thì đương nhiên 4 vị Bộ trưởng trả lời chất vấn lần này sẽ bị áp lực, nó không mang tính chất công bằng, khách quan. Cho nên việc ta tổ chức lấy phiếu trước, chất vấn sau là hợp lý.

- Phiên chất vấn này có điểm gì mới so với các phiên chất vấn trước đây, thưa ông?


Tại kỳ họp thứ 8 này phiên chất vấn có những đổi mới, đó là thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài thêm 1 buổi nữa. Trước chỉ có 2,5 ngày thôi, nhưng kỳ họp này kéo dài 3 ngày, trong đó sẽ dành thêm một buổi sáng để Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo đánh giá các việc đã thực hiện của Chính phủ, của các Bộ trưởng và Quốc hội sẽ có thảo luận.

Các kỳ trước thì chỉ có các thành viên Chính phủ trình bày xong rồi thôi, không có trao đổi, thảo luận. Kỳ này dành một buổi sáng để thảo luận lại những nội dung liên quan đến việc thực hiện chất vấn của Quốc hội với Chính phủ.

VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo