Phân tích

Xăng gánh tới 8.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường là quá cao

(DNVN) - Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường là quá cao.

Như thông tin đã đưa, Bộ Tài chính mới đây đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến rộng rãi. Theo Dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

Đối với dầu diezel, mức thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900 - 4.000 đồng, trongg khi đó dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300 - 2.000 đồng.

Lý giải cho việc tăng thuế Bộ Tài chính cho biết, qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường cho thấy, thuế bảo vệ môi trường có vai trò định hướng hành vi của chủ thể tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh các công cụ kinh tế khác, thuế bảo vệ môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp ý thức hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, quan tâm hơn đến áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ sản xuất tiên tiến, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hóa thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và kiểm soát ô nhiễm, góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả...

Chuyên gia Ngô Trí Long.

Bộ Tài chính cũng cho biết, cùng với các chính sách thu hiện hành liên quan đến bảo vệ môi trường (như phí bảo vệ môi trường, phí xăng dầu, thuế TNDN, thuế TTĐB, thuế XNK,..), thuế bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu ổn định cho NSNN, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.

Đánh giá về việc này, theo quan điểm cá nhân của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long -  nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) thì việc áp thuế bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu với mức khung từ 3.000 - 8.000 đồng/lít trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường là quá cao, không hợp lý.

Dẫn giải cho nhận định của mình, ông Long cho biết, hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mà trong đó lại có Việt Nam. 

Theo ông Long, mỗi lít xăng đã phải gánh rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Mỹ thì mức thuế phí hiện giờ của nước ta là quá cao, cao gấp rưỡi Mỹ.

Ông Long cũng cho biết, trước đây, khi cơ quan quản lý đánh thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 - 4.000 đồng/lít đã gây phản đối của dư luận thì việc tăng thuế nữa sẽ khiến dư luận bức xúc. Theo ông, vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường.

 

Vị chuyên gia cũng cho biết, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi khi thuế tăng thì các loại phí sẽ tăng mà phí tăng sẽ kéo giá đẩy lên cao, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt thì khả năng cạnh trạnh đã rất yếu.

Nói về việc tăng thuế nhằm để ổn định nguồn thu ngân sách, ông Long không đồng tình và cho rằng thuế một công cụ rất quan trọng, nó kích thích hoặc hạn chế sản xuất, trong khi đó, nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế. " Nguyên tắc của ngân sách là phải thu đúng, thu đủ vì vậy không thể vì khó khăn ngân sách mà tăng thuế bắt người dân phải gánh chịu", ông Long nói.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo