Khám phá

Xông đất các nhà khoa học tuổi Rồng

Nhân đầu xuân Nhâm Thìn, phóng viên xông đất các nhà khoa học tuổi con rồng để ghi nhận dự định cũng như mong mỏi của họ trong xuân mới.

Giáo sư Chu Hảo: Tuổi Rồng vàng mang lại cho tôi nhiều may mắn



Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng bộ KH&CN, thành viên Đoàn chủ tịch LHH, giám đốc NXB Tri thức. Ông sinh năm Canh Thìn (1940)

 

Hiện nay tôi vẫn còn nhiều công việc phải làm như tiếp tục thực hiện Dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Từ năm 2012 Dự án này sẽ trở thành một Dự án phổ biến kiến thức chủ yếu của LHH. Theo đó, LHH sẽ giao cho nhà xuất bản tri thức nhiệm vụ hàng năm tổ chức xuất bản khoảng 30-40 đầu sách gồm: tinh hoa tri thức thế giới, tri thức phổ thông và Việt Nam đương đại.

 

Sau đó, các đầu sách này sẽ được LHH biếu tặng cho trên 500 thư viện của các trường đại học, viện nghiên cứu, các tỉnh thành, phục vụ thầy giáo, học sinh và cộng đồng nhằm góp phần tiếp thu tinh hoa tinh hoa thế giới, phát huy tinh hoa Việt Nam để thay đổi tư duy toàn xã hội.



Ngoài ra, tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia phát triển Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh, nhằm góp phần phát triển tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Những hoạt động này, những năm qua đã tạo nên những ấn tượng rất tốt đẹp trong xã hội và ngày càng có giá trị xã hội rộng lớn hơn.



GS Nguyễn Thanh Nghị: Có cơ sở để lạc quan.



Giáo sư Nguyễn Thanh Nghị, Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội. Ông sinh năm Nhâm Thìn (1952) tại Thanh Hóa, Ủy viên Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Liên bang Nga từ năm 1996.



Theo tôi, để biến tiềm năng phát triển KH-CN Việt Nam thành hiện thực cần phải có những thay đổi hệ thống về nguyên tắc quản lý và đầu tư cho khoa học và công nghệ. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cách đây hơn 10 năm đã từng nói, nếu không có một chính sách khoa học và công nghệ đúng đắn, mọi kế hoạch biến Việt Nam thành một cường quốc giàu mạnh đều là ảo tưởng. Vì lời phát biểu này, thầy Hiệu đã gặp không ít rắc rối. ... Tôi mong các nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước và các nhà quản lý hãy tạo điều kiện và có những hành động thiết thực trên thực tế để các nhà khoa học, nhất là thế hệ trẻ vươn lên biến tiềm năng trí tuệ của dân tộc Việt thành động lực phát triển đất nước.


Nhà khoa học của nông dân



GS.TS Võ Tòng Xuân, sinh năm canh thìn(1940) tại Ba Chúc, An Giang. Ông đã đạt nhiều danh hiệu do nhà nước ban tặng: Anh hùng Lao động, nhà giáo Nhân dân… Hiện ông đang là Hiệu trưởng của Trường ĐH Tân Tạo.

GS.TS Võ Tòng Xuân

Ở tuổi trên thất thập, nhìn ông còn rất tráng kiện, khi đề cập đến cây lúa, nông nghiệp, nông dân, ông say sưa như chàng trai tuổi đôi mươi đang yêu, nói về “người tình” cả đời của mình.

Trước năm 1975, ông đã phối hợp với đài phát thanh, truyền hình “đẻ” ra chương trình ““Gia đình bác Tám”, để truyền bá kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân theo hình thức gần gũi, dễ hiểu.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông phối hợp với đài truyền hình TP.HCM, Cần Thơ để thực hiện chương trình kỹ thuật nông nghiệp. Không nói chuyện cao siêu, ông mang câu chuyện thời sự trên đồng ruộng vào chương trình.

Nông dân, cán bộ kỹ thuật cứ chờ đến giờ phát chương trình để xem. Trong một chuyến công tác tại miền Tây lúc bấy giờ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc gặp GS.TS Xuân đã nói, “người dân miền tây thích nghe chương trình của thầy Xuân hơn nghe cải lương”.



Nay dù tuổi đã cao, nhưng duyên nợ với nông nghiệp, nông dân vẫn chưa thể dứt ra. Hiện ông đang cùng với doanh nghiệp và nông dân xây dựng những cánh đồng trồng lúa theo tiểu chuẩn VietGap, LobalGap… để tăng lợi nhuận trên diện tích gieo trồng.



Phó giáo sư tuổi Rồng và tình yêu hang động



PGS Nguyễn Hiệu, sinh năm Bính Thìn (1976), Phó chủ nhiệm khoa Địa lí, Trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐHQGHN:
Hang động – Niềm say mê không mệt mỏi



Thầy Hiệu cho rằng, mình có cơ hội được làm việc với rất nhiều giáo sư đầu ngành và được truyền tải lòng nhiệt tình, sự say mê tìm hiểu kiến thức. Cùng với các thầy giáo của mình (Huỳnh Văn Phái, Nguyễn Quang Mỹ, Trương Quang Hải), PGS Nguyễn Hiệu có nhiều nghiên cứu về hang động với niềm say mê không mệt mỏi.

Những kết quả nghiên cứu này được sử dụng để phục vụ cho phát triển du lịch nước nhà. Trong vai trò là thành viên chính, PGS Nguyễn Hiệu cùng với thầy giáo của mình là GS.Trương Quang Hải nghiên cứu hang động Phong Nha- Kẻ Bàng.



Với đề tài này, trên cơ sở những kiến thức và tài liệu thu thập được trong thời gian làm việc với Đoàn thám hiểm hang động của Hoàng gia Anh nghiên cứu động Phong Nha-Kẻ Bàng, ông đã thiết kế các tour, lộ trình, kinh nghiệm du lịch mạo hiểm trong hang động.



PGS Nguyễn Hiệu cũng đưa ra những luận cứ về các nguy cơ tác động đến di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hay, gần đây nhất, PGS Hiệu cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu về hệ thống lòng sông cổ Hà Nội, để chỉ ra những khu vực rất bền vững, ổn định trong suốt thời kỳ biến đổi lịch sử địa chất và xác lập ra các lòng sông cổ.

Theo ĐV

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo