Tin tức - Sự kiện

‘Làng Game’ trong làng Đại học: Mối nguy tiềm ẩn cho xã hội

Một “làng Game” hoạt động thâu đêm suốt sáng ngay trong làng Đại học, tạo nên những hệ lụy không nhỏ và là mối nguy tiềm ẩn cho xã hội.

Qua 12 giờ đêm nhưng game thủ ở Làng Đại học vẫn miệt mài cày game

Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần ban hành các văn bản quy định về việc cấm các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng hoạt động ngoài thời gian từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày, thế nhưng cho đến thời điểm này, việc thực hiện đúng quy định tại nhiều tiệm internet vẫn chỉ là con số 0.

 
Quán mở thâu đêm, khách chơi tới bến
 
Chỉ tính riêng khu vực Làng Đại học (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thì đã có ít nhất 30 tiệm intrenet (gọi là dịch vụ Internet nhưng thực tế chủ yếu kinh doanh trò chơi trực tuyến - PV) lớn nhỏ hoạt động quá giờ quy định. Điều đáng nói là nhiều tiệm internet này đã hoạt động nhiều năm nay, công khai mở cửa trong giờ cấm nhưng chính quyền địa phương gần như vẫn…ngó lơ.
 
Tại mỗi quán ở khu vực này được trang bị ít nhất từ 20 đến 60 chiếc máy tính cùng đầy đủ tiện nghi để “phục vụ thượng đế”. Đồng thời, các dịch vụ về nước uống, đồ ăn, các loại thẻ game, điện thoại,...cũng được đáp ứng tận nơi.
 
Gần 2 giờ sáng nhưng tiệm intrenet Đ.B., H.Q. (khu vực gần bến xe buýt); tiệm net T.T., H&T (đối diện trường ĐHKH Tự Nhiên TP.HCM) đèn vẫn sáng, cửa mở công khai đón khách vào chơi. Cách đó không xa, tiệm P.C. chỉ khép một phần cửa để che mắt cơ quan chức năng, còn bên trong vẫn đông nghẹt các game thủ đang miệt mài “chiến đấu”. Tương tự, các quán net N.T, Đ.Q. và một số tiệm khác, bên ngoài đóng cửa nhưng nếu khách gọi thì có thể vào chơi bất cứ lúc nào.
 
Để che mắt cơ quan chức năng, ngoài giờ quy định nhiều tiệm chỉ tiếp khách quen. Bên ngoài đóng cửa nhưng nếu khách có nhu cầu thì sẽ được các nhân viên tại đây “ân cần” mở cửa cho vào chơi. Mỗi quán đều có bảng quy định, ghi rõ giờ mở - đóng cửa nhưng đó chỉ là hình thức để che mắt cơ quan chức năng, còn game thủ cứ say xưa “cày” không phân biệt ngày đêm.
 
Game thủ tham gia chơi với đủ lứa tuổi, từ trẻ em, học sinh, sinh viên cho đến người lớn. Trong đó chủ yếu là thanh niên và sinh viên ở các trường Đại học trong khu vực.
 
Theo một chủ quán bán hủ tiếu cạnh tiệm internet H.Q. cho biết, để phục vụ các game thủ, quán này cũng mở cửa thâu đêm. Chỉ cần game thủ có nhu cầu thì lập tức sẽ có người phục vụ tại chỗ. Bà chủ quán cũng cho biết thêm, quán đã mở cửa bán thâu đêm cả chục năm nay và chưa đêm nào vắng khách, chủ yếu phục vụ cho những thanh niên vào chơi net.
 
Tiêu cực bày ra trước mắt
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ một phần nhỏ lượng khách vào đây để tìm hiểu thông tin phục vụ cho học tập, còn phần lớn là chơi game và những trò giải trí khác.
 
Chán chơi game, nhiều thanh niên tụ tập trong quán tổ chức đánh bài, sát phạt nhau hay tìm những trang web đen có nội dung đồi trụy để xem. Nếu mệt, game thủ vạ vật trên ghế rồi ngủ luôn tại chỗ, thức dậy thì tiếp tục chơi. Cảnh tượng vạ vật của những game thủ tại các tiệm internet ở đây là điều thường thấy.
 
Là khách “ruột” của tiệm nét H.Q, Võ Văn P. (22 tuổi, sinh viên trường ĐH Hồng Bàng) nói với giọng rất thản nhiên khi được hỏi: “Làm nhiệm vụ trong game cũng phải mất nửa ngày mới xong nên bình thường một ngày tao chơi khoảng 10 tiếng, nếu không thì 15 tiếng, mệt ngủ tại chỗ. Ngày nào học có kiểm tra hay điểm danh thì đi, không thì thôi”. Khi được hỏi về số tiền phải chi trả cho một ngày chơi game, P đáp lại gọn lỏn: “Vài ba trăm, đáng bao nhiêu đâu!”.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại đây game bạo lực và game chiến thuật là những game thu hút được nhiều người chơi nhất. Nhiều game khi quá giờ quy định đã bị cấm chơi nhưng các tiệm internet vẫn dùng những chiêu lách luật qua mặt nhà quản lý bằng cách đổi sever và IP để người chơi có thể đăng nhập vào game.
 
Nhiều nghiên cứu xã hội học đã chứng minh, game online là nguyên nhân chủ yếu gây đổ vỡ trong cuộc sống; người nghiện game sẽ không có thời gian tiếp xúc với mọi người hay tham gia các hoạt động xã hội. Chính vì vậy, đa số những người nghiện game đều có những cách nhìn sai lệch và không có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều người nghiện game online có những hành động rất liều lĩnh và coi thường pháp luật. Có ý kiến cho rằng, chơi game nhập vai chém giết nhau ở thế giới ảo thì rất dễ dẫn đến những vấn đề tiêu cực tương tự ở đời sống thật.
 
Sự thật hiển nhiên đó là người nghiện game khi không có tiền để chơi họ có thể trở thành trộm cắp, cướp giật, giết người để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Đã không ít lần lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng lợi dụng “cứu net” làm mồi nhử cướp tài sản, tổ chức mại dâm; giết người để có tiền chơi game hoặc tụ tập bè đảng tổ chức đánh bạc, đua xe, cướp giật,…
 
Trong khi đó, chi phí cho việc chơi game cũng rất lớn, bên cạnh những chi phí tại chỗ như giờ chơi, đồ ăn, nước uống,… thì người chơi game online cần phải đầu tư rất nhiều cho các nhân vật trong thế giới ảo. Theo Nguyễn Minh Tuấn (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết, một năm chơi game Gunny, Tuấn đã bỏ ra số tiền hơn 20 triệu đồng để mua đồ cho nhân vật. Tuấn cho biết thêm, đó chỉ là con số bình thường, nếu muốn “đua Top”, số tiền bỏ ra phải lên đến hàng trăm triệu cho tới cả tỷ đồng. Tùy thuộc và “xếp hạng” trong sever, liên sever mà mỗi người chơi phải đầu tư số tiền rất lớn để “nâng tầm” cho nhân vật. Cũng theo Tuấn, “top” càng cao thì khi chơi luôn được các đối thủ coi trọng, được coi là “Pro”.
 
Với nhiều bạn sinh viên và gia đình, số tiền vài chục triệu đồng là con số không nhỏ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, nhiều bạn trẻ dù gia đình không có điều kiện nhưng cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương và thậm chí còn hơn nhiều lần để “vùi” mình trong thế giới ảo mà không hề màng tới việc học hay tương lai trước mắt. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Văn Dũng (22 tuổi, quê Hà Tĩnh), vì mê game online và những trò cá độ bóng đá, chỉ tính riêng năm nhất đại học, Dũng đã phải báo nợ về nhà 2 lần với tổng số tiền gần 50 triệu đồng. Vì thương con, cha mẹ Dũng cũng đành vay mượn để gửi tiền cho Dũng trả nợ.
 
Phần lớn trong số đó đều là những người xa gia đình, không có người quản lý, kèm cặp và nếu mất tự chủ, họ sẽ dễ dàng bị những tệ nạn xã hội cám dỗ. Trong khi đó, cơ chế đào tạo hiện nay ở một số trường THPT, Đại học lại quá buông lỏng trong việc kiểm tra cũng như quản lý học sinh, sinh viên của mình. Đồng thời, sự lơ là của các cơ quan chức năng đã vô tình làm cho những tệ nạn xã hội này càng trở nên khó kiểm soát hơn. Trong đó là việc những tiệm internet hoạt động quá giờ quy định đã tạo điều kiện để những đối tượng xấu lợi dụng, làm nơi ẩn náu và thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo