Khoa học - Công nghệ

Giáo sư đóng 14 tầu ngầm giới thiệu “nỏ thần” An Dương Vương

DNVN - Giáo sư, tiến sĩ khoa học Brodarski Institute thuộc Bộ quốc phòng Croatia - người từng đóng 14 tầu ngầm giới thiệu “nỏ thần” An Dương Vương cho giới khoa học quân sự tại NATO.

Giải mã sức mạnh của "nỏ thần" An Dương Vương huyền thoại / Kim quang của nỏ thần rực sáng ngàn năm

Thực hiện lời hứa với Thượng tướng, viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu, giáo sư, tiến sĩ khoa học Brodarski Institute thuộc Bộ quốc phòng Croatia đã giới thiệu “nỏ thần” An Dương Vương cho giới khoa học quân sự tại NATO.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Brodarski Institute là nhà khoa học nổi tiếng thế giới - người từng đóng 14 tầu ngầm cho Nam Tư cũ mà bất cứ ai có thể gõ trên mạng Prof. dr.sc. Vladimir Koroman đều hiển thị chi tiết về thành tích vượt trội này.

Ông vừa gửi các bức ảnh cho tướng Hiệu và kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh (người đã sáng chế ra “nỏ thần”) về buổi giới thiệu “nỏ thần” An Dương Vương cho các nhà khoa học quân sự của NATO. Trong đó, có các bức ảnh về mũi tên đồng Cổ Loa, ảnh “nỏ thần” bắn chùm tên đồng huyền thoại mà giáo sư ghi chú là đạn chùm flechette của Việt Nam.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Brodarski Institute khẳng định các mũi tên đồng Cổ Loa từ 2.300 năm trước chính là đạn chùm flechette ngày nay.

Thượng tướng Hiệu phân tích, các nhà khoa học thực sự đều hứng thú với chùm mũi tên đồng Cổ Loa. Theo đó, họ cho rằng đây chính là đạn chùm flechette ngày nay, đồng loạt bắn ra khỏi nỏ. Chùm mũi tên đó nếu được bắn từ độ cao từ 18 m trở lên thì chính là công nghệ đạn chùm ngày nay, dễ dàng sát thương binh lính không ẩn nấp.

“Giáo sư, tiến sĩ khoa học Brodarski Institute giới thiệu về kỹ thuật nhưng chính là giới thiệu về đất nước Việt Nam thời cổ đại, về cuộc chiến đấu chống quân xâm lăng. Giới thiệu về vũ khí khác biệt của Việt Nam so với toàn thế giới. Từ buổi giới thiệu này, thế giới biết đến một Việt Nam đã nghĩ ra đạn chùm flechette đầu tiên, là đất nước duy nhất trên toàn thế giới có công nghệ bắn đồng loạt các mũi tên đồng flechette”, tướng Hiệu tự hào nói.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Brodarski Institute xác nhận, nếu bắn mũi tên đồng Cổ Loa từ đỉnh Phja Dạ Cao Bằng cao 2.000 m thì mũi tên thừa sức xuyên táo cùng lúc nhiều tên giặc.

Ông cũng đã nói rất nhiều lần, nghiên cứu lịch sử cần phải chính xác tôn trọng theo những gì sử sách ghi lại. Không được áp đặt các suy nghĩ, cảm tính của mình ngày hôm nay vào các sự kiện lịch sử, vì chúng ta có ở thời điểm đó đâu mà biết được.

Ngoài truyền thuyết của Việt Nam ghi “nỏ thần” bắn một phát giặc chết đầy đồng thì rất nhiều sử sách Trung Quốc đã ghi “nỏ thần” bắn một phát giết 300 quân, bắn một phát xuyên 10 người, hay bắn một phát giết một vạn quân.

Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu của chúng ta lại ghi “nỏ thần” tượng trưng cho tinh thần chiến đấu. Hay có những công trình phục dựng mà chưa thấy bắn đồng loạt nhiều mũi tên, chứ đừng nói là bắn một phát giết hàng trăm quân như sử sách đã ghi.

Nghiên cứu về “nỏ thần” của kỹ sư Thanh rõ ràng là đúng như những gì sử sách đã ghi. Chính vì vậy mà tướng Hiệu dù tuổi đã cao nhưng giữa trưa hè nắng nực vẫn đi xe bus sang Cổ Loa để chứng kiến việc bắn nỏ thực nghiệm.

Có thể nói, Việt Nam đã có loại nỏ bằng thực tế bắn được chùm mũi tên Cổ Loa, có cả độc quyền sáng chế mà thế giới công nhận. Mang cái nỏ đó đặt ở vị trí cao như tòa nhà chúng cư 20 tầng thôi là thừa sức xuyên được giáp sắt lưới. Bất cứ lúc nào kỹ sư Thanh cũng có thể thực nghiệm để chứng minh.

Xác nhận của nhà khoa học tiếng tăm thế giới trong lĩnh vực khó như đóng tầu ngầm là rất quan trọng. Qua họ, chúng ta có điều kiện giới thiệu cả một triều đại vẻ vang của người Việt với thế giới.

Mục tiêu của tướng Hiệu, kỹ sư Thanh cùng các đồng sự là để các sách viết về lịch sử thế giới phải ghi nhận. Nhân loại phải ghi nhận người Việt phát minh ra nguyên lý đạn chùm flechette đầu tiên, có cây nỏ bắn một phát giết cả vạn quân.

Cha ông chúng ta xứng đáng có được ghi nhận đó của cả nhân loại, như cả thế giới ghi nhận về các loại vũ khí cổ của Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Trung Quốc cổ đại. Qua đó, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của chúng ta.

“Bước đầu mục tiêu của chúng tôi đã có kết quả tốt vì thế giới rất chú trọng đến công nghệ tầu ngầm. Những nhà khoa học như Prof. dr.sc. Vladimir Koroman luôn là tâm điểm của cả thế giới”, tướng Hiệu khẳng định.

Kỹ sư Thanh bắn thử nghiệm "nỏ thần" để chứng minh "nỏ thần" An Dương Vương là có thật, không phải chỉ trong truyền thuyết.

Kỹ sư Thanh - người có độc quyền sáng chế về loại nỏ bắn đồng loạt các mũi tên đồng Cổ Loa và phát hiện quan trọng về việc người Việt sử dụng công nghệ đạn chùm flechette (tức là công nghệ rải các mũi tên đặc biệt từ độ cao lớn nhờ sức hút của trái đất chuyển động nhanh dần đều diệt mục tiêu) khẳng đinh, sự xác nhận của nhà khoa học tầm cỡ thế giới như Prof. dr.sc. Vladimir Koroman là rất quan trọng và rất giá trị.

Nhà khoa học từng đóng 14 tầu ngầm rất hiểu biết về kỹ thuật và có trách nhiệm rất cao với những gì họ tuyên bố nên trước khi tuyên bố họ phải xem xét rất kỹ lưỡng. Xác nhận của họ ngay lập tức sẽ được coi là xác nhận của giới khoa học quân sự của NATO và thế giới.

"Bí mật của “nỏ thần” An Dương Vương không chỉ là loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên như nhiều người lầm tưởng. Bí mật quan trọng, sát thương nhất chính là về đạn chùm flechette các mũi tên đồng Cổ Loa mà rất may mắn chúng ta có được bằng chứng đang nằm trong các bảo tàng ngày hôm nay”, ông Thanh nói.

Đó chính là các mũi tên đồng Cổ Loa với hình dáng kích thược đặc biệt hoàn toàn trùng hợp với đạn chùm flechette ngày nay. Khi thả từ trên cao, các mũi tên Cổ Loa có chuyển động nhanh dần đều lao vào đầu giặc từ trên cao với sức sát thương cực lớn.

 

Theo kỹ sư Thanh, “nỏ thần” An Dương Vương có một bí mật đặc biệt và nhờ bí mật này mà chùm mũi tên bắn được xa ra khỏi nỏ, tạo vầng hào quang từ ánh đồng rực sáng gọi là kim quang. Các mũi tên này đồng loạt rơi vào đầu quân giặc với vận tốc nhanh dần đều, hủy diệt toàn bộ quân dịch. Sự rơi này là nguyên lý đạn chùm flechette rơi nhanh dần đều nhờ sức hút của trái đất mà loài người hơn 2.300 năm sau mới nghĩ ra.

Kỹ sư Thanh bật mí một "bí mật" nữa là, nếu chúng ta để ý thì thấy vua An Dương Vương chỉ sử dụng “nỏ thần” phòng thủ chứ không bao giờ tấn công quân thù. Lý do rất đơn giản là “nỏ thần” cần bắn ở độ cao 18 m trở lên mới có sức sát thương lớn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm