Tin tức - Sự kiện

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Nhấn mạnh nguyên tắc, từ ngày 1/7 phải chạy trên một loại cơ sở dữ liệu VNeID, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cố gắng, quyết tâm thực hiện cho được.

Người dân đổ về các bãi biễn giải nhiệt dịp lễ 30/4 / Ban hành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới trong tháng 5/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác), diễn ra sáng 3/5 tại Trụ sở Chính phủ.

Theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phải hoàn thành việc chuyển đổi để kể từ ngày 1/7/2024 sử dụng tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc,Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay, 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân. Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn; thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận 71,3%; có 47 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Hiện tại có 2,8 triệu chữ ký số thường xuyên được sử dụng.

Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 12 tiện ích trên VNeID, với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích VNeID hàng ngày. Một số tiện ích đã mang lại giá trị, như triển khai Lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Huế bắt đầu từ ngày 22/4, hằng năm giúp tiết kiệm cho người dân, xã hội 637 tỷ đồng; tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia và các ứng dụng của các bộ, ngành, dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng.

 

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, còn một số khó khăn, vướng mắc như chưa quy định rõ các tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia, chưa có sự đồng nhất giữa mã định danh điện tử của tổ chức và mã số thuế, gây khó khăn cho công tác quản lý. Mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử chưa bổ sung yếu tố xác thực theo quy định của Luật Căn cước như sinh trắc giọng nói, mống mắt. Còn 11 bộ, ngành chưa đảm bảo an ninh, an toàn…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu lên những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân trong quá trình thực hiện, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cách làm hay mang tính đổi mới, đột phá, sáng tạo, khả thi cao trong việc chuyển đổi sử dụng một loại tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tuyến, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số, phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành công dân số.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 06, với nhận định "những việc chúng ta làm thu hái được những kết quả cụ thể". Cũng theo Phó Thủ tướng, việc phối hợp các bộ, ngành, địa phương tốt hơn. Việc đầu tư, thuê hạ tầng công nghệ thông tin cũng tốt hơn. 100% công dân đã có số định danh cá nhân, cơ quan chức năng cần gì gõ là có thông tin ngay. Đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều sáng kiến của các địa phương, bộ, ngành.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt chưa được như cơ sở pháp lý có "2 chưa và 2 chậm". Cụ thể là chưa thống nhất trong việc sử dụng VNeID, chưa quy định rõ tiện ích nào được sử dụng; chậm tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, chậm xử lý kiến nghị của các cơ quan, bộ, ngành trong thực hiện Đề án 06.

Bản thân hệ thống VNeID cũng phải hoàn thiện hơn, như về mức độ định danh, các đối tượng yếu thế, các đối tượng nước ngoài, yêu cầu đảm bảo hệ thống hoạt động 24/7. Vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống việc loạn sóng, tốc độ, dung lượng cũng là những nội dung quan trọng cần lưu ý.

 

Nhấn mạnh nguyên tắc, từ ngày 1/7/2024 phải chạy trên một loại cơ sở dữ liệu VNeID, “không có cách khác, không có phương án khác và không có thời hạn khác”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cố gắng, quyết tâm thực hiện cho được.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sinh động, dể hiểu, dễ nhớ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, để người dân hiểu rõ tiện ích cũng như cách thức sử dụng tài khoản VNeID.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kết nối cơ sở dữ liệu và hạ tầng để bảo đảm việc sử dụng tài khoản VNeID được thông suốt; thiết lập kênh thông tin để trao đổi, phản hồi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng làm sạch dữ liệu thuê bao di động, bảo đảm 100% SIM điện thoại phải có chính chủ; đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư hạ tầng; tích cực tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác, nhất là về đầu tư hạ tầng và thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm