Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần thiết có trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang

DNVN - Cho rằng một trong những khó khăn lớn của ngành da giầy là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển, Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam kiến nghị thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang để giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội vươn lên, tham gia chuỗi cung ứng ngành.

Đơn hàng dồi dào nhưng chưa thể làm doanh nghiệp dệt may bớt lo / Thuế giá trị gia tăng đang hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Xuất khẩu phục hồi nhưng chịu sức ép lớn

Trao đổi với Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn tại buổi làm việc với Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) ngày 25/4 tại Bình Dương, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, quý I/2024 xuất khẩu toàn ngành đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, da giầy là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.

Tuy vậy, theo bà Xuân, ngành da giầy đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành da giầy là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham quan khu vực nguyên phụ liệu sản xuất túi xách - Nhà máy túi xách TBS.

Bên cạnh đó, việc các quốc gia nhập khẩu giầy dép lớn đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.

Da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.

Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Cần thiết lập trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành thời trang

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành da giầy là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các doanh nghiệp chủ yếu tâp trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879 đã xác định dệt may – da giầy là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó, giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành”, ông Thuấn nhìn nhận.


Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso giới thiệu với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khu đất dự kiến xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành thời trang tại Bình Dương.

Trên cơ sở đó, ông Thuấn kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.

Với đề xuất này, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, cho biết, việc lập trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành da giầy phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành và luật cạnh tranh. Khi có trung tâm này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Dũng, thời gian qua, ngành da giầy đã có nhiều hoạt động mở rộng về quy mô và phát triển, song chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Do đó, nếu không có những biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.

“5 vụ việc mà Ủy ban cạnh tranh xử lý trong thời gian vừa qua đều là từ các doanh nghiệp nước ngoài. Họ mở rộng, mua các doanh nghiệp Việt Nam. Nhu cầu thực tiễn để hỗ trợ, gia tăng giá trị gia tăng cho Việt Nam là rất lớn. Việc có trung tâm sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi”, ông Dũng lưu ý.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia.

Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3, và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế.

Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách tương tự. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ quan điểm nhất trí với kiến nghị thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp rà soát, báo cáo lãnh đạo bộ xem xét, giải quyết những kiến nghị của hiệp hội theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình, khả năng thực tế của doanh nghiệp.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm