Pháp luật

“Áp lực” tại phiên xử 5 công an đánh chết người đến từ đâu?

Bài trả lời PV “rất thật thà” của ông Chánh án TAND TP. Tuy Hòa (Phú Yên) đã nói đến việc HĐXX phải “chịu áp lực” khi đưa ra phán quyết. Như vậy “áp lực” đến từ đâu, và sự độc lập của HĐXX liệu có còn?

PV: Thưa luật sư, ông có ý kiến gì về những phát biểu của ông Chánh án TAND TP. Tuy Hòa trong cuộc trả lời báo chí vừa qua khi cho rằng nhiều vụ án được khởi tố tại tòa nhưng sau đó không được xử lý?

Tại khoản 1, Điều 104, Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.”.
 
Một phiên xử tại TAND TP.HCM
 
Như vậy luật pháp thì đã có và đang còn hiệu lực thi hành thì không thể có bất kỳ ai dù có cương vị quản lý trong phạm vi quyền hạn của mình lại phê phán hoặc vô hiệu hóa điều luật này. Nói như nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Đặng Quang Phương trong một đợt tập huấn cho các thẩm phán về các Nghị quyết của TAND tối cao thì: “Gạo, nước, củi, lửa đã có sẳn, vấn đề còn lại là các anh chị có biết cách thổi cơm không mà thôi!”.
 
Như vậy, với cách trả lời của ông Chánh án thì có thể nghi ngờ rằng các vị đã không biết cách “thổi cơm” dù có đủ các chất liệu mà luật pháp cung cấp.
 
Nếu ai đặt vấn đề với Chánh án TAND TP. Tuy Hòa rằng: Ông hãy cho xem một hoặc vài quyết định khởi tố vụ án, một vài kiến nghị khởi tố vụ án của TAND TP. Tuy Hòa mà “chẳng có vụ nào được xử lý cho có kết quả” (lời ông Chánh án nói về kết quả của việc khởi tố tại tòa - PV) thử xem, tôi tin rằng sẽ có những sự thật bất ngờ tiếp theo câu phát biểu mang tính khỏa lấp này.
 
Thậm chí với vụ “5 công an đánh chết người” vừa qua, dư luận xã hội còn thắc mắc rằng, liệu có cuộc họp liên ngành giữa 3 cơ quan: Công an, Viện kiểm sát và Tòa án TP. Tuy Hòa trước khi đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm không?
 
Nếu có, điều đó có thể phù hợp với quy chế phối hợp liên ngành của ba cơ quan đã ký kết với nhau, nhưng đó là điều đi ngược lại với tinh thần cải cách tư pháp là bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, và điều đó có thể là thảm họa cho nền tư pháp nước ta khi hiện tượng “án bỏ túi” vẫn còn mang tính quy định, buộc các thẩm phán không thể tự mình độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật.
 
Luật sư Phạm Công Út
 
PV: Thưa ông, liệu "những áp lực" mà ông Chánh án TAND TP. Tuy Hòa phải chịu có tác động đến kết quả của vụ xét xử?
 
Theo tôi thì nó không công minh bởi: Thứ nhất: Quy định của pháp luật còn kẽ hở về tội danh "Dùng nhục hình". 
 
Thứ hai: HĐXX đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc phát hiện tội phạm mà chấp nhận sự bất lực để "tha bổng" hành vi vi phạm pháp luật của một người nào đó. Lý giải cho điều này, ông Chánh án cho rằng (đại ý) "Trong vụ này, lực lượng cảnh sát bị mất mát quá nhiều đã là một tổn thất lớn..." thì khó có thể được dư luận xã hội chấp nhận.
 
PV: Thưa ông, như vậy bản án "không công minh" này bắt nguồn từ HĐXX hay những nơi đã tạo ra “áp lực”?
 
Theo tôi thì đó là những nơi tạo “áp lực” (...) chưa kể đến quy trình “báo cáo án” thường có trong khá nhiều các tòa án trong nước.
 
PV: Thưa ông, có cách nào để ngăn chặn việc tạo "áp lực" lên thẩm phán khi xét xử?
 
Để ngăn chặn những cơ quan tạo "áp lực" lên thẩm phán khi xét xử thì cần đẩy nhanh tốc độ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ chính trị, cần sớm thành lập tòa án khu vực (để không lệ thuộc, phụ thuộc vào địa phương), và cải cách lại chế độ bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán và các chức vụ quản lý. Nhiệm kỳ của thẩm phán có thể là được bổ nhiệm suốt đời (trừ khi có vi phạm pháp luật).
 
Xin cảm ơn luật sư!

 

Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo