Xã hội

"Cương quyết với việc trốn đóng BHXH, kể cả khởi kiện hình sự”

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Nếu phải khởi kiện hình sự đối với việc trốn nợ, cần hành động cương quyết vì đã xâm phạm lợi ích của hàng vạn người lao động.

Hội thảo “Vấn đề thu nợ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế”

Thực trạng nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp đã kéo dài nhiều năm gần đây, nguy cơ đổ vỡ quỹ BHXH, xâm hại đến quyền lợi của người lao động. Dù nhiều biện pháp mạnh đã được thực hiện nhưng số nợ đóng BHXH vẫn không thuyên giảm, thậm chí ngày càng gia tăng.

Tình hình nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn là phổ biến, bao gồm nhiều loại hình doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhà nước tập trung ở các ngành giao thông, xây dựng, các tập đoàn đang cơ cấu lại doanh nghiệp đến các đơn vị ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài. Nợ BHXH, BHYT trong thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng tới các chế độ của người lao động.

Chế tài đủ mạnh chống chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế, khu vực doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thường xảy ra tình trạng không đóng, trốn đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ cho người lao động, nguyên nhân chính là do nhận thức của chủ sử dụng lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ, trách nhiệm với người lao động chưa cao, tổ chức công đoàn, người lao động chưa dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHYT làm lao động tham gia tăng chậm lại, nợ BHYT tăng nhanh.

Tại Hội thảo “Vấn đề thu nợ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế”  do Chính phủ, MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: Qua triển khai cơ chế chính sách trong việc thực hiện BHXH, BHYT đã từng bước được sửa đổi bổ sung hoàn thiện và ngày càng đi vào cuộc sống. Kết quả to lớn là 11 triệu người lao động được tham gia BHXH và hơn 70% được tham gia BHYT. Tuy nhiên, số nợ bảo hiểm vẫn qua lớn với 50% số doanh nghiệp nợ đọng BHXH với khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây là do chế tài chưa đủ mạnh, ý thức của chủ sử dụng lao động chưa tốt, chính sách chưa khuyến khích được cả hai đối tượng này tham gia.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế chính sách với điểm đầu tiên phải khuyến khích, tạo điều kiện môi trường cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện đầy đủ quyền lợi trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó phải sửa lại cơ chế chính sách pháp luật để đảm bảo nghĩa vụ quyền lợi, khuyến khích doanh nghiệp, người lao động, người dân tự nguyện đóng bảo hiểm.

“Cần quy định chế tài đủ mạnh trong luật, nghị định để chống các hành động cố tình, chây ỳ trốn đóng bảo hiểm. Kết hợp với việc tuyên truyền cho người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm.  Đẩy mạnh cải cách hành chính giảm các thủ tục thời gian kê khai, tạo điều kiện thuận lợi để người dân người lao động hưởng đúng các quyền lợi chính đáng khi tham gia bảo hiểm đúng pháp luật. Nếu quyền lợi được đảm bảo người dân sẽ tham gia”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Hành động cương quyết vì lợi ích hàng vạn người lao động

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI) cho rằng, cần thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thu, nộp và thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho người lao động.

Đặc biệt, với kết cấu thị trường lao động như hiện nay, việc khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào hệ thống BHXH là công việc hết sức quan trọng. Vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là BHXH Việt Nam và cơ quan thuế trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế vào bảo hiểm. Giữa hai cơ quan này cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về doanh nghiệp để hỗ trợ tốt nhất doanh nghiệp và người sử dụng lao động thực hiện tốt và thuận lợi cả chính sách, pháp luật về thuế và BHXH, BHYT.

“Cần tuyên truyền nâng cao ý thức văn hóa kinh doanh của một số bộ phận doanh nghiệp tư nhân hiện nay vẫn chưa có ý thức trong việc nộp BHXH, chây ỳ, cố tình nợ, trốn đóng BHXH, làm tổn hại tới quyền lợi chính đáng cho người lao động, gây thiệt hại và mất lòng tin vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước” – ông Dũng nói.

Theo ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ Trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, với tư cách là nguyên đơn dân sự, từ năm 2010 - 2013, cơ quan BHXH đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án, với số nợ là 1.788 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được trên 736 tỷ, trong đó, số tiền thu được qua hòa giải là 266 tỷ, đạt tỷ lệ 15%; qua xét xử là 470 tỷ, đạt tỷ lệ 26%.

Trong số 1.021 vụ có bản án, quyết định của Tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 722 vụ, còn 299 vụ không được thi hành án (chiếm 29%).

“Qua số liệu nêu trên cho thấy, thực tế hiện nay còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực BHXH không được thi hành. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước”- ông Đạt cho biết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Để khắc phục các hạn chế, yếu kém trong xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân.

“Cụ thể cần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bên cạnh việc thông tin cho doanh nghiệp, người lao động cần tăng hiệu lực giám sát trong việc thực hiện đóng BHXH và BHYT. Nếu phải có khởi kiện hình sự đối với việc trốn nợ cần hành động cương quyết vì đã xâm phạm lợi ích của hàng vạn người lao động cũng như ảnh hưởng đế nền kinh tế.”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị./.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh: Tình trạng nợ BHXH, BHYT diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng ra tăng qua các năm về số đơn vị, số tiền nợ BHXH, BHYT. Năm 1997, nợ chậm đóng BHXH là 307 tỷ đồng, bằng 8% tổng số phải thu trong năm. Năm 2007, nợ chậm đóng BHXH là 1.734 tỷ đồng, bằng 6,8% tổng số phải thu trong năm.

Đáng lưu ý, không chỉ có BHXH mà tình trạng chây ỳ cũng diễn ra ở tương tự đối với BHYT và có chiều hướng gia tăng. Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 8-2014, có 47.315 đơn vị với gần 674.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc còn nợ 11.562 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT.
 

VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo